Còn gọi là cô mễ, giao cẩu, lúa miêu, củ niễng, giao bạch tử.
Tên khoa học Zizania latifolia Turcz, (Zizania aquatica L., Zizania dahurica Steud, Mydropyrum latifolium Griseb., Limnochloa caduciflora Turcz.)
Thuộc họ Lúa Poaceae (Gramineae).
Cây niễng cho vị thuốc là giao bạch tử.
A. Mô tả cây
Niễng là một loại cỏ sống lâu năm, trồng giống lau, sậy, mọc dưới nước hay dưới đất nhiều bùn, cao tới 1-2m, rễ nhiều, thân rễ và thân bò (đường kính 1-1,5cm) rất phát triển. Thân rỗng có vách ngang. Thân đứng, nhẵn, phần dưới gốc rất phát triển, xốp, phía ngọn gầy hơn. Lá dài, hình mác dài từ 0,30-1m, rộng 2-3cm, cả hai mặt đều nháp, hai bên mép dày lên. Cụm hoa là chùy hẹp, dài 30-50cm, trục to nhiều nhánh mang hoa cái ở phía trên và hoa đực ở phía dưới (Hình dưới).
Thân cây thường bị một giống nấm Ustilago esculentum Hennings (esculenta = ăn được) ký sinh, làm phần thân đó phồng lên, mang nhiêu đốm đen, càng già thì càng nhiều đốm đen, cấu tạo bởi bào tử của nấm. Chính bộ phận thân non bị nấm ký sinh được hái bán với tên củ niễng để xào nấu, vào những tháng 9, 10, 11 đến các tháng 1-2 năm sau. Phần này có đường kính 2,5-3cm, dài 5-7,5cm. Do bị nấm ký sinh, củ niễng (đúng ra chỉ là mầm non) trở thành bùi và béo.
B. Phân bố, thu hái và chế biến
Cây niễng được một số làng vùng ngoại thành Hà Nội (Kim Mã, Vân Hồ, Hồ Tây) trồng lấy củ để bán làm rau ăn. Thường vào tháng 9, người ta trồng bằng cách tách gốc ra lấy mầm rồi trồng ở những nơi nhiều bùn, nước luôn luôn ngập. Trồng mỗi gốc cách nhau 50-60cm thành hàng hay lung tung. Có nơi trồng vào tháng 11-12 sau khi đã phơi nắng cây một thời gian. Sau một năm thì thu hoạch được. Tại nước ta thường người ta không để già để lấy quả. Tại Trung Quốc, người ta chờ cho có quả mới hái quả phơi khô và sử dụng với tên giao bạch tử hay giao cẩu.
Cây này nguồn gốc ở phía đông Xibêri và còn được trồng ở Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản và nhiều nước châu Á khác.
C. Thành phần hoá học
Trong lúa miêu (giao bạch tử) có 1,2% protit, 0,1% chất béo và 2,8% chất cacbon hydrat, chừng 0,5% tro.
Trong củ niễng có 88,1% nước; 3,2% gluxit; 2,5% chất protit; 1% muối khoáng, trong đó 0,015% CaO, 0,212% P2O5 và 0,002% Fe2O3.
D. Công dụng và liều dùng
Quả niễng hay giao bạch tử được dùng trong đông y. Theo đông y, nó có tính lạnh (hàn), vị ngọt (cam), có tác dụng chữa khát, tiêu phiền, điều dạ dày và ruột. Dùng chữa sốt, lỵ trẻ con và còn dùng làm thực phẩm. Liều dùng chữa sốt và lỵ: Mỗi ngày 4-6g quả niễng dưới dạng thuốc sắc.
Củ niễng dùng xào nấu, có vị thơm béo.
Tại một số nước như Nhật Bản, quả niễng được dùng làm thực phẩm ăn độn với cơm.
Nguyên Liệu Làm Thuốc trích từ nguồn: Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam của GS-TS Đỗ Tất Lợi
Nhận xét
Đăng nhận xét