Còn gọi là cây ráy dại, dã vu.
Tên khoa học Alocasia odora (Roxb) C.Koch. (Colocasia macrorhiza Schott).
Thuộc họ Ráy Araceae.
A. Mô tả cây
Ráy là một loại cây mềm cao 0,30 đến 1,40m, có thể dài tới 5m nhưng phía dưới bò, trên đứng; dưới đất có thân rễ hình cầu sau phát triển dần thành củ dài, có nhiểu đốt ngắn, trên đốt có vẩy màu nâu. Lá to hình tim dài 10-50cm, rộng 8- 45cm, cuống mẫm dài 15 đến 120cm. Bông mo mang hoa cái ở phía gốc, hoa đực ở phía trên và tận cùng bằng một đoạn bất thụ. Phần dưới của mo tồn tại xung quanh các quả mọng, hình trứng màu đỏ (Hình dưới).
B. Phân bố, thu hái và chế biến
Ráy là một cây mọc hoang ờ khắp nơi trong nước ta, thường ưa mọc ở rừng hay nơi ẩm tháp. Còn thấy ở Lào, Cămpuchia (Kdat norar), Hoa Nam Trung Quốc, châu Úc.
Người ta thường đào củ ở những cây 2 hay 3 năm trở lên. Đào về rửa sạch đất cát, cắt bỏ rễ con, cạo bỏ vỏ ngoài, phơi khô hay dùng tươi. Khi chế biến thường bị ngứa tay, cần chú ý.
C. Thành phần hóa học
Chưa thấy tài liệu nghiên cứu, chỉ mới biết trong củ ráy có tinh bột, chất gây ngứa.
D. Công dụng và liều dùng
Củ ráy chỉ mới thấy dùng làm thuốc trong phạm vi nhân dân. Tài liệu cổ coi củ ráy có vị nhạt, tinh hàn, có đại độc (độc nhiều) ăn vào gây ngứa trong miệng và cổ họng.
Nhân dân thường dùng củ ráy để xát vào nơi bị lá han gây ngứa tấy, còn dùng làm thuốc chữa mụn nhọt, ghẻ, sưng bàn tay, bàn chân.
Tại Quảng Tây (Trung quốc) nhân dân còn dùng uống chữa sốt rét, thũng độc, ngứa lở mà lông rụng hết (phong lại). Ngày uống 10 đến 20g.
Đơn thuốc có củ ráy
Cao dán mụn nhọt: Một củ ráy tươi nặng chừng 80-100g, nghệ một củ chừng 60g. Củ ráy gọt sạch vỏ, giã nát nhừ cùng với nghệ, sau cho dầu vừng vào nấu dừ, thêm dầu thông và sáp ong vào, khuấy cho tan. Để nguội. Phết lên giấy dán vào nơi mụn nhọt, nếu mới mọc thường tan, đã mọc rồi có tác dụng hút mủ.
Nguyên Liệu Làm Thuốc trích từ nguồn: Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam của GS-TS Đỗ Tất Lợi
Nhận xét
Đăng nhận xét