Còn gọi là cây sầu đâu cứt chuột, hạt khổ sâm, khổ luyện tử, nha đảm tử, chù mền, san đực (Sầm Sơn), cứt cò (Vĩnh Linh), bạt bỉnh (Nghệ An).
Tên khoa học Brucea javanica (L.) Merr. (Brucea sumatrana Roxb.).
Thuộc họ Thanh thất Simaroubaceae.
Cây sầu đâu rừng cho vị nha đảm tử (Fructus Bruceae hay Brucea hoặc Semen Bruceae) còn gọi là khổ luyện tử hay khổ sâm hay quả xoan đâu rừng là quả khô của cây sầu đâu rừng.
Chớ nhầm quả này với quả xoan Melia azedarach L. thuộc họ Xoan (Meliaceae) người ta lấy gỗ làm nhà, vỏ rễ để trị giun, người ta cũng gọi quả xoan là khổ luyện tử (xem cây xoan ở mục các vị thuốc chữa giun sán).
A. Mô tả cây
Cây sầu đâu rừng nhỏ, chỉ cao độ 1,60 đến 2,5m là cùng, thân yếu không thành gỗ và không to như cây xoan làm nhà. Lá xè lông chim không đều, 4-6 đôi lá chét. Hoa nhỏ khác gốc, mọc thành chùm xim (Hình dưới).
B. Phân bố, thu hái và chế biến
Cây sầu đâu rừng mọc hoang ở nhiều nơi trong nước ta: Hải Phòng, Đồ Sơn, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên đâu cũng có. Chưa được tổ chức trồng. Nhưng ngay với nguồn mọc hoang dại, hiện nay mỗi năm tổ chức tốt, ta cũng có thể thu mua được 3-5 tấn. Quả chín hái về phơi hay sấy khô. Loại bỏ tạp chất. Không phải chế biến gi khác. Quả khô bảo quản hàng 10 năm gần như không hỏng và không giảm tác dụng. Mùa thu hái: Tháng 8 đến tháng 12.
C. Thành phần hóa học
Trong quả nha đảm tử có 23% dầu (hoặc 50% nếu chỉ tính đối với nhân). Dầu lỏng, màu trắng. Ngoài ra còn một glucozit gọi là kosamin, chất tanin, chất men có thể là men thủy phân, amydalin, chất quassin và một chất saponin.
Chất kosamin có tác dụng diệt trùng rất rõ rệt. Liều nhỏ gây nôn diệt giun sán, liều cao thì độc, làm tim đập chậm, nôn ra mật và máu, đi ỉa lỏng và có thể chết được. Máu người bị ngô độc đen, không đông được, hồng cầu phồng lên, vón lại, ống tiêu hóa và màng não bị viêm.
Năm 1967, Viện các hợp chất thiên nhiên ở Pháp (Judith Polansky- Zoia Baskevith- Experientia 23 (6) 1967-C.A.968 Nb5- 21869), năm 1968 Trường đại học tổng họp California Mỹ (Keng Y. Sim James J. Simes J. Org. Chem. 33 (1) 1968-C.A.68, 39849n) đã chiết và xác định công thức hóa học của một số chất đắng như bruxein A, B, C và brusatola.
Brusatola có độ chảy 276-278", công thức thô C27H32O11
D. Tác dụng dược lý
Thí nghiệm trong ống nghiệm, hạt khổ sâm (nha đảm tử) có tác dụng diệt amip ở dạng hoạt động. Trên lâm sàng, hạt khổ sâm tỏ ra có tác dụng chữa lỵ amip cấp tính rất tốt, so sánh tác dụng như êmêtin. Nhưng đối với lỵ mãn tính và lỵ có mang vi trùng thì hiệu quả có kém hơn.
Năm 1973, S. M. Kupchan và cộng sự (1968.J.Org.Chem. vol. 38 (1):178) từ Brucea antidyscnterica Mill, chế thành dịch chiết cồn có tính chất ức chế trên các tế bào ung thư trong ống nghiệm. Trong dịch chiết cồn này, các tác giả đã phân lập được bruxeantin (0,01%), bruxeantirin (0,002%) và bruxein B (0,002%). Tác dụng chống ung thư của bruxeantin mạnh hơn bruxeantirin và bruxein B. Sự khác nhau này có lẽ do sự có mặt của một este không no, ở bruxeantin. Công trình nghiên cứu này của tác giả đã dựa trên kinh nghiệm của nhân dân Etiopia đã dùng hạt cây này chữa lỵ và ung thư.
Năm 1971, Đỗ Tất Lợi và cộng sự (Dược học 3.1971, 6.1971 và 5.1972) đã nghiên cứu tìm thấy liều điều trị của nhân đã khử dầu là 4mg/kg thể trọng (người), liều DL-50 là 260mg/ kg và liều DL-100 là 360mg/kg đối với chuột nhắt. Trên cơ sở đó đã đề nghị sản xuất viên nha đảm tử chứa 5mg nhân đã khử dầu (dùng cho trẻ em) và chứa 20mg (dùng cho người lớn). Những viên này đã được dùng rộng rãi trong vụ dịch lỵ ở Nam Hà. Theo báo cáo cùa khoa truyền nhiễm bệnh viện Bạch Mai 92% trường hợp lỵ đã khỏi. Tác dụng phụ không đáng kể: 2% số người dùng thuốc buồn nôn hoặc nôn mửa. Khi ngừng thuốc các triệu chứng đó hết ngay.
E. Công dụng và liều dùng
Tính vị theo đông y: vị đắng, tính hàn, vào kinh đại tràng. Tác dụng táo thấp (làm khô cái ẩm ướt), sát trùng. Chữa sốt rét, những người tỳ vị hư nhược nôn mửa cấm dùng. Đây là một loại thuốc lỵ đã được dùng lâu đời ở nhiều nước nhiệt đới: Tại Việt Nam, vị thuốc được ghi với tên “xoan rừng” trong bộ “Nam dược thần hiệu” cùa Tuệ Tĩnh (thế kỷ 17), tại Trung Quốc vị thuốc lần đầu tiên thấy được ghi với tên nha đảm tử trong "Bản thảo thập di” của Triệu Học Mẫn (1765).
Ngày dùng 10-14 quả, có thể tới 20 quả, tán nhỏ, làm thành viên 0,10g toàn quả hoặc 0,02g nhân đã khử dầu mà uống. Uống liền 3-4 ngày đến một tuần lễ.
Thường chỉ 1 -2 ngày là khỏi. Nhưng nên uống liền trong 5-7 ngày cho hết hẩn. Có thể bỏ vỏ, ép hết dầu vì dầu có tính chất kích thích, gày nôn và ỉa lỏng. Ngoài công dụng chữa lỵ, nha đảm tử còn có tác dụng chữa ỉa lỏng, viêm ruột thường, chữa sốt rét.
Có thể dùng dưới dạng thụt: Lấy 20-30 hạt giã nhỏ, ngâm vào 200ml dung dịch 1% natri bicacbonat, sau 1-2 giờ, lọc lấy nước thụt giữ.
Nha đam tử có độc, uống quá liều có thể gây đau bụng, nôn mửa, kém ăn, người mệt. Khi thụt thì ít hiện tượng độc hơn. Dùng uống với liều kể trên thường không xảy ra hiện tượng độc nào, hoặc chỉ thấy nôn nao, buồn nôn. Ngừng thuốc sẽ hết ngay.
Để chữa sốt rét: ngày uống 3 lần sau bữa ăn. Mỗi lần uống 1g quả. Uống liền 4-5 ngày. Phụ nữa có thai vẫn dùng được.
Viên nha đảm tử 5mg: Trẻ 1 tuổi: ngày 2-4 viên; 2 tuổi: ngày 3-6 viên; 3 tuổi: ngày 4-8 viên; 4 tuổi: 5-10 viên. Trên 4 tuổi: dùng viên nha đảm từ 20mg, ngày 5-10 viên. Có thể uống 15-20 viên, chia làm nhiều lần uống, mỗi lần 1- 2 viên.
Nguyên Liệu Làm Thuốc trích từ nguồn: Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam của GS-TS Đỗ Tất Lợi
Nhận xét
Đăng nhận xét