Còn gọi là hồ tiêu, cổ nguyệt, hắc cổ nguyệt, bạch cổ nguyệt.
Tên khoa học Piper nigri L.
Thuộc họ Hồ tiêu Piperaceae.
Cây hồ tiêu cho ta hai vị thuốc:
Hắc hồ tiêu (Fructus Piperis nigrum) là quả chưa chín hẳn, phơi khô của cây hạt tiêu.
Bạch hồ tiêu (Fructus Piperis albi) là quả chín phơi khô và sát bỏ vỏ ngoài đi của cây hạt tiêu.
Tiêu là cay gắt; cây có vị cay gắt, sản sinh ở nước Hồ, do đó có tên. Tên cổ nguyệt là do chữ hồ (chữ Hán) đọc làm hai phần: cổ và nguyệt ghép lại thành chữ hồ.
A. Mô tả cây
Hồ tiêu là một loại dây leo, thân dài, nhẵn không mang lông, bám vào các cây khác bằng rễ. Hình như giữa cây tựa và cây hồ tiêu có một sự sống nhờ nhau, cho nên khi gỡ cây hồ tiêu khỏi cây tựa, phần nhiều cây hồ tiêu bị chết. Thân mọc cuốn, mang lá mọc cách. Lá như lá trầu không, nhưng dài và thuôn hơn. Có hai loại nhánh: Một loại nhánh mang quả, và một loại nhánh dinh dưỡng, cả hai loại nhánh đều xuất phát từ kẽ lá.
Đối chiếu với lá là một cụm hoa hình đuôi sóc. Khi chín, rụng cả chùm. Quả hình cầu nhỏ, chừng 20-30 quả trên một chùm, lúc đầu màu xanh lục, sau có màu đỏ, khi chín có màu vàng. Đốt cây rất dòn, cho nên khi vận chuyển, cần thận trọng để cây khỏi chết. (Hình dưới).
B. Phân bố, thu hái và chế biến
Cây hạt tiêu được trồng ở nhiều tỉnh miền Nam nước ta, nhiều nhất ở Châu Đốc, Hà Tiên, Phú Quốc, Bà Rịa, Quảng Trị. Tại miền Bắc đã bắt đầu trồng ở vùng Vĩnh Linh, hiện đang cố di chuyển dần ra phía bắc miền Bắc nước ta. Tại các nước khác, còn thấy ở Malaixia, Indônêxya, Ấn Độ, Cămpuchia. Trung Quốc trước đây không có, mới thí nghiệm trồng ở Quảng Đông, Hải Nam, Quảng Tây và Vân Nam.
Trồng hồ tiêu bằng cách dâm cành, mỗi gốc cách nhau 2m, mỗi hecta chừng 2.500 gốc. Có thể trồng bằng hạt. Cây trồng bằng hạt khỏe hơn, chịu khô ráo hơn, nhưng ra nhánh chậm hơn. Tại Việt Nam, Malaixia người ta cho cây leo vào những cọc tựa, còn ở Ấn Độ, người ta cho leo vào các cây tươi. Trồng bằng giâm cành cây sẽ bắt đầu ra hoa vào năm thứ 3. Nhưng thường người ta bỏ lớp hoa đầu và chỉ cho quả đậu vào năm thứ 4. Hiệu suất cao nhất vào năm thứ 7-8, rồi giảm dần xuống cho tới năm thứ 20. Trung bình mỗi hecta cho 4.000-4.500kg hồ tiêu khô (mỗi gốc cho chừng 1,75kg).
Mỗi năm thu hoạch 2 lần, tùy theo người ta muốn có hồ tiêu đen hay hồ tiêu trắng, cách thu hái có khác nhau.
Muốn có hồ tiêu đen, người ta hái quả vào lúc thấy xuất hiện một số quả đỏ hay vàng trên chùm quả, nghĩa là lúc quả còn xanh. Những quả còn non quá chưa có sọ, rất giòn, khi phơi sẽ dễ bị vỡ vụn. Còn những quả khác khi phơi khô vỏ sẽ dăn deo lại, màu sẽ ngả đen, do đó có tên hồ tiêu đen.
Muốn có hồ tiêu trắng (còn gọi là hồ tiêu sọ) phải hái vào lúc quả đã thật chín, sau đó lấy chân đạp loại vỏ ngoài, hoặc cho vào rổ, ngâm dưới nước chảy 3-4 ngày, đạp loại vỏ đen rồi phơi khô. Loại này có màu trắng ngà, xám, ít nhăn nheo hơn, ít thơm hơn (vì lớp vỏ ngoài chứa tinh dầu bị loại đi), nhưng cay hơn.
C. Thành phẳn hóa học
Trong hồ tiêu có tinh dầu và hai ancaloit. Ngoài ra còn một số chất khác như xenlulôza, muối khoáng.
Tinh dầu chừng 1,5-2,2%. Tinh dầu này tập trung ở vỏ quả giữa cho nên hồ tiêu sọ ít tinh dầu hơn. Tinh dầu màu vàng nhạt hay lục nhạt, gồm các hydrocacbua như phelandren, cađinen, cariophilen và một ít hợp chất có ôxy.
Hai ancaloit là piperin và chavixin.
Piperin C17H19O3N có trong hạt tiêu từ 5-9%, có tinh thể không màu, không mùi, không tan trong nước sôi, rất tan trong rượu nóng, tính kiềm nhẹ, đồng phân với mocphin. Khi đun với dung dịch rượu kali, cho axit piperic C12H10O4 và một ancaloit khác lỏng, bay hơi là piperidin C5H11N.
Axit piperic đun với MnO4K sẽ cho piperonala dùng chế nước hoa.
Chavixin C17H19O3N, có người cho là một chất nhựa, có trong hồ tiêu từ 2,2-4,6%. Chavixin là một chất lỏng sền sệt, có vị cay hắc, làm cho hồ tiêu có vị cay nóng, tan trong rượu, ête, chất béo, đặc ở 0°. Vì chavixin tập trung ở phía ngoài vỏ cho nên hồ tiêu sọ ít hắc hơn hồ tiêu đen. Chavixin là đồng phân quang học cua piperin. Thủy phân sẽ cho piperiđin và axit chavinic C12H10O4.
Ngoài tinh dầu và ancaloit ra, trong hồ tiêu còn 8% chất béo, 36% tinh bột và 4,5% độ tro.
Do thành phần hóa học trên cho nên muốn kiểm tra xem có phải hồ tiêu không, ta có thể tìm piperin bằng một số phản ứng sau đây:
- Nhỏ lên bột hồ tiêu axit sunfuric đặc sẽ thấy màu hồng, sau chuyển màu hồng nâu (phản ứng piperin).
- Nhỏ lên bột hồ tiêu ít giọt cồn 90-95°. Chờ hơi khô nhỏ lên ít giọt nước, đậy kính móng lên, sẽ thấy ở mép tấm kính mỏng ít tinh thể piperin hình trâm.
D. Tác dụng dược lý
Dùng liều nhỏ tăng dịch vị, dịch tụy, hồ tiêu kích thích tiêu hóa, làm ăn ngon cơm, nhưng liều lớn, kích thích niêm mạc dạ dày, gây sung huyết và viêm cục bô, gây sốt, viêm đường tiểu tiện, đi đái ra máu.
Piperin và piperiđin độc ở liều cao, piperiđin tăng huyết áp, làm tê liệt hô hấp và một số đầu dây thần kinh (50mg/kg thể trọng) piperin tiêm bắp thịt cho thỏ và chuột bạch hoặc cho hít hơi với liều cao thì thấy sau một thời gian kích thích ngắn, có hiện tượng hơi thở nhanh lên, chân sau tê liệt rồi mê họàn toàn, co quắp, ngủ gà gật rồi chết do ngừng thở. Khi giải phẫu sẽ thấy các phủ tạng đều có hiện tượng xuất huyết.
Hồ tiêu còn có tác dụng sát trùng, diệt ký sinh hùng, gây hắt hơi. Mùi hồ tiêu đuổi các sâu bọ, do đó hồ tiêu được dùng bảo vệ quần áo len khỏi bị nhậy cắn.
E. Công dụng và liều dùng
Ngoài công dụng làm gia vị, hồ tiêu được dùng làm thuốc kích thích sự tiêu hóa, giảm đau (chữa răng đau), đau bụng. Ngày dùng 1-3g dưới dạng bột hay thuốc viên.
Đơn thuốc có hồ tiêu
Đơn thuốc bổ kích thích tiêu hoá:
Hồ tiêu 5g, thạch tín 0,5g (nửa gam). Hai vị tán nhỏ, dùng hồ viên thành 100 viên. Ngày uống 2 đến 4 viên này làm thuốc bổ, kích thích sự tiêu hoá, ăn ngon cơm. Thuốc có độc dùng phải cẩn thận.
Đơn chữa đi lỏng, ăn vào nôn ra:
Hồ tiêu, bán hạ chế, hai vị bằng nhau, tán nhỏ. Dùng nước gừng viên bằng hạt đậu. Ngày uống 15-20 viên. Dùng nước gừng chiêu thuốc.
Nguyên Liệu Làm Thuốc trích từ nguồn: Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam của GS-TS Đỗ Tất Lợi
Nhận xét
Đăng nhận xét