Còn gọi là kim thoa thạch hộc, thiết bì thạch hộc, kim thạch hộc, câu trạng thạch hộc, hắc tiết thảo, hoàng thảo.
Tên khoa học Dendrobium sp.
Thuộc họ Lan Orchidaceae.
Thạch hộc (Caulis Dendrobii) là thân phơi hay sấy khô của nhiều loài thạch hộc hay hoàng thảo như Dendrobium nobile Lindl., Dendrobium simplicissimum Kranzl., Dendrobium dalhousieanum Wall. , Dendrobium gratiosissimum Reichb., Dendrobium crumenatum Sw. v. v...
A. Mô tả cây
1. Cây Thạch hộc hay hoàng thảo, hay huỳnh thảo - Dendrobium nobile Lindl. là một loài cây phụ sinh trên những cành cây thật cao, thân mọc thẳng đứng cao độ 0,3-0,6m, thân hơi dẹt, phía trên hơi dày hơn, có đốt dài 2,5-3cm, có vân dọc. Lá hình thuôn dài, phía cuống tù, gần như không cuống, ở đầu hơi cuộn hình nón, dài 12cm, rộng 2-3cm trên có 5 gân dọc. Cụm hoa mọc thành thành chùm 2-4 hoa trên những cuống dài 2-3cm. Hoa rất đẹp, to, màu hồng hay điểm hồng. Cánh môi hình bầu dục nhọn, dài 4-5cm, rộng 3cm cuộn thành hình phễu trong hoa, ở nơi họng hoa điểm màu tía.
Loài này mọc hoang ở khắp các miền rừng núi các tỉnh miền Bắc, có khi được trồng để làm cảnh như là một loại phong lan vì dáng cây đẹp, hoa cũng rất đẹp (Hình dưới).
2. Cây Hoàng thảo - Dendrobium dalhousieanum Wall, cũng là một cây sống lâu, phụ sinh, thân cao chừng 1m hay hơn, thân có rãnh dọc, đều. Lá hình thuôn dài hẹp, không cuống, đầu hơi tù, cứng, dài 14-15cm, rộng 10-20mm. Cụm hoa mọc thành chùm, dài 10-20cm. Hoa to, đường kính đạt tới 8cm, màu hồng hay hơi vàng nhạt có cánh môi điểm màu đỏ.
Cây này có ở khắp các tỉnh miền Bắc, nhiều nhất ở miền Trung, còn gặp ở Ấn Độ, Miến Điện, Thái Lan, Lào.
3. Cây Hoàng thảo - Dendrobium gratiosissimum Reichb. còn gọi là cây hoa thảo, là một cây sống lâu, phụ sinh, thân gầy rủ xuống, dài 30-90cm, đều, phía trên hơi dày hơn, lá hình trứng đầu nhọn, dài 7-10cm, rộng 10-13mm. Cụm hoa mọc thành chùm gồm 3 hoa màu trắng, có điểm vàng trên cánh môi, mùi rất thơm.
Trên thực tế tại Việt Nam và Trung Quốc còn dùng nhiều loài khác nữa (Việt Nam có chừng trên 100 loài), Trung Quốc cũng rất nhiều loài khác được khai thác với những tên khác nhau như kim thạch hộc (Dedrobium linawianum Reichb.), thiết bì thạch hộc (Dendrobium officinale K. Kimura et Migo) v.v...
B. Phân bố, thu hái và chế biến
Nhiều loài thạch hộc được nhân dân ta trồng làm cảnh với tên phong lan, trồng trên những cành gỗ mục hay cành cây, treo ngoài gió.
Thạch hộc thường mọc trên những cây rất cao lớn, việc hái rất vất vả và nguy hiểm. Thườmg người ta trèo cây hay làm thang nứa hay đóng đinh tre lên thân cây mà trèo lên để lấy thạch hộc. Có khi người ta đốn cây ngã xuống để lấy thạch hộc, nhưng phương pháp sau làm hại cây cho gỗ.
Thạch hộc hái về, cắt bỏ rể con, lá phơi hoặc sấy khô là được.
Có người sau khi hái thạch hộc về, cho vào chảo, đổ nước cho ngập rồi sàng ít vôi bột vào (một chảo to sàng vào 3 bát vôi), đun sôi cho chín thạch hộc thì vớt ra, đem phơi cho hơi khô thì đem vào nhà lãn đi lăn lại cho tới khi bong hết vôi, các vẩy và lá khi nào màu da của thạch hộc vàng bóng thì thôi.
Thứ thạch hộc to, dài và chắc được coi là hạng tốt nhất. Trước đây ta xuất hoàng thảo sang Trung Quốc mà lại nhập thạch hộc của Trung Quốc thực ra cả hai thứ đều cùng một chi và ta có cả hai thứ. Thường chữ thạch hộc dùng để chỉ loại có đốt phía dưới phình rộng ra, phía trên nhỏ dài còn hoàng thảo dùng để chỉ thứ có thân và đốt kích thước trên dưới đều bằng nhau.
C. Thành phần hoá học
Trong Thạch hộc (Dendrobium nobile) có chất nhầy và một chất ancaloit gọi là dendrobin khoảng 0,3%, có công thức thô C16H25O2. Trong kim thạch hộc Dendrobium linawianum cũng có dendrobin và hai loại ancaloit khác.
Theo báo cáo của Viện nghiên cứu y học, hệ dược học (Bắc Kinh, 1958) thì trong thạch hộc Dendrobium nobile có 0,05% ancaloit, không có saponin và không cho phản ứng tanin.
D. Tác dụng dược lý
Năm 1936, hai tác giả Kinh Lợi Bâu và Lý Đăng Bảng đã báo cáo dùng cao thạch hộc chế bằng rượu 1ml=4g dược liệu tiến hành thí nghiệm tác dụng giảm sốt thì thấy với liều 2,5ml trên 1kg thể trọng, tiêm vào màng bụng thỏ đã được gây sốt bằng dung dịch 0,03% trực trùng côli (2,3ml đối với 1kg thể trọng) không thấy có tác dụng giảm sốt.
Trên mẩu hành tá tràng thỏ cô lập, với nồng độ thấp (0,0001-0,5%) thì thấy có tác dụng kích thích, sự co bóp được tăng cường. Nhưng với nồng độ cao: 1-10% thì lại thấy tác dụng ức chế.
Đối với tim cô lập của loài cóc Bufo sp. (dùng dung dịch Locke - Ringer) bất kể nồng độ như thế nào đều thấy tác dụng ức chế co bóp. Hiện tượng ức chế này hình như liên quan với thần kinh phó giao cảm vì thuốc chế từ thạch hộc đều có tác dụng làm giảm ảnh hưởng của pilocacpin, atropin và adrenalin trên cơ ruột, trên tim. Tuy nhiên tác dụng ức chế đối với adrenalin có kém hơn. Khi tiêm dụng dịch thạch hộc trên tim của loài cóc thấy dù nồng độ nào từ 0,01-10% đều không thấy ảnh hưởng. Theo F.I.Ibraghimov, dendrobin có tác dụng tăng lượng glucoza trong máu, với liều cao làm yếu hoạt động của tim, làm giản huyết áp, gây khó thở, ức chế sự co bóp của mẩu ruột thỏ cô lập, làm co tử cung của chuột bạch.
Dendrobin hơi có tác dụng gây mê và giảm sốt.
E. Công dụng và liều dùng
Thạch hộc thường được dùng chữa những bệnh sốt nóng, khô cổ, khát nước, người háo, bứt rứt khó chịu.
Theo đông y, thạch hộc dưỡng âm sinh tân, dùng trong các bệnh tân dịch bất túc như miệng khô, cổ họng khô, hay do tân dịch không đủ mà không muốn ăn, mắt nhìn kém, khớp xương sưng đau hay không có lực.
Liều dùng hằng ngày: 4-12g dưới dạng thuốc sắc.
Theo tài liệu cổ thạch hộc vị ngọt, nhạt, tính hơi lạnh, vào 3 kinh phế, vị và thận. Có tác dụng dưỡng âm, ích vị sinh tân. Dùng chữa bệnh sốt, tân dịch khô kiệt. Miệng khô khát khỏi bệnh mà người vẫn hư nhiệt. Những người hư chứng mà không nóng không dùng được.
Đơn thuốc có thạch hộc
1. Đơn thuốc chữa chứng ho, đầy hơi: Thạch hộc 6g, mạch môn 4g, tỳ bà diệp 4g, trần bì 4g, nước 300ml, sắc còn 200ml. Chia làm 3 lần uống trong ngày.
2. Đơn thuốc chữa chứng hư lao, người gầy mòn: Thạch hộc 6g, mạch môn đông 4g, ngũ vị tử 4g, đảng sâm 4g, trích cam thảo 4g, câu kỳ tử 4g, ngưu tất 4g, đỗ trọng 4g, nước 300ml. sắc còn 200ml. Chia làm 3 lần uống trong ngày.
Nguyên Liệu Làm Thuốc trích từ nguồn: Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam của GS-TS Đỗ Tất Lợi
Nhận xét
Đăng nhận xét