Còn gọi là sâm, đông dương sâm, cao ly sâm, sâm thảo, giả nhân sâm, thổ nhân sâm.
Tên khoa học Talinum crassifolium Willd. (Talinum patens L., Talinum paniculatum Gaertn.)
Thuộc họ Rau sam Portulacaceae.
Nhiều người vẫn nhầm cây này gọi là cây nhân sâm, cần chú ý để phân biệt (xem vị nhân sâm thật ở trên).
A. Mô tả cây
Cây loại cỏ mọc hằng năm hoặc sống dai, thân mọc thẳng, có thể cao tới 0,6m, thân màu xanh, phía dưới chia cành. Lá mọc so le, hình trứng ngược, hoặc hình thìa, phiến lá dày, hơi mẫm, hai mặt đều bóng, đầu lá nhọn hoặc tù, phía cuống hẹp lại, cuống rất ngắn, lá dài 5-7cm, rộng 2,5-3,5cm. Vào mùa hạ ở đầu cành xuất hiện cụm hoa hình chùm nhiều hoa nhỏ, đường kính ước 6mm, 5 cánh hoa màu tím đỏ nhạt, hơn 10 nhị dài ước 2mm. Bầu hoa hình cầu. Quả nhỏ, khi chín có màu xám tro, đường kính ước 3mm. Hạt rất nhỏ, màu đen nhánh hơi dẹt, trên mặt hơi có vân nổi.
Mùa hoa: tháng 6-7-8. Mùa quả: tháng 9-10-11 (Hình dưới)
B. Phân bố, thu hái và chế biến
Cây thổ cao ly sâm mọc hoang và được trồng ở nhiều nơi trong nước ta vì nhiều người nhầm là cây nhân sâm. Sự thực hai cây khác hẳn nhau về hình thái cũng như về họ thực vật (xem vị nhân sâm ở trên).
Có điều đáng chú ý là một số tỉnh ở Trung Quốc như Triết Giang, Giang Tô, An Huy, Quảng Tây, Quảng Đông, Tứ Xuyên là nơi cây này cũng mọc hoang và được trồng làm cảnh, người ta cũng gọi cây này với những tên cao ly sâm, thổ cao ly sâm v.v... và cũng dùng nó làm thuốc bổ thay sâm.
Trồng cây này rất dễ dàng: Có thể trồng bằng hạt hoặc bằng mẩu rễ. Cây mọc rất khoẻ, sau một năm đã thu hoạch lấy rễ, để lâu năm được rễ to hơn. Rễ đào về rửa sạch cắt bỏ rễ con, phơi hay sấy khô. Rễ lúc mới đào về có màu hồng đẹp. Để lâu đen xám.
C. Thành phần hoá học
Chưa có tài liệu nghiên cứu.
Sơ bộ nghiên cứu, chúng tôi thấy trong rễ cây này có dẫn xuất phenolic (Đỗ Tất Lợi, 1960). Các chất khác chưa rõ.
D. Tác dụng dược lý
Chưa có tài liệu nghiên cứu
E. Công dụng và liều dùng
Còn ở phạm vi kinh nghiệm trong nhân dân.
Tại Việt Nam và Trung Quốc nhiều nơi dùng rễ làm thuốc bổ, thuốc chữa ho dưới dạng thuốc sắc.
Có khi người ta dùng rễ cạo sạch vỏ, hoặc dùng lá nấu với thịt để ăn như nấu canh rau.
Ngày dùng 20-30g.
Cần chú ý nghiên cứu.
Nguyên Liệu Làm Thuốc trích từ nguồn: Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam của GS-TS Đỗ Tất Lợi
Nhận xét
Đăng nhận xét