HẢI THƯỢNG LÃN ÔNG - LÊ HỮU TRÁC
NHÀ ĐẠI DANH Y DÂN TỘC, NHÀ KHOA HỌC LỚN,
ĐỒNG THỜI LÀ NHÀ TƯ TƯỞNG, NHÀ VĂN LỖl LẠC
CỦA NƯỚC TA Ở THẾ KỶ THỨ XVIII (1)
Hải Thượng Lãn Ông tên thật là Lê Hữu Trác, quê tại thôn Văn Xá, làng Lưu Xá, huyện Đường Hào, phủ Thượng Hồng, tỉnh Hải Dương (nay là xã Hoàng Hữu Nam, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên)(2).
Lê Hữu Trác xuất thân từ một gia đình (ông, cha, chú, bác, anh, em) đều học giỏi, đỗ cao, làm quan to của thời vua Lê chúa Trịnh. Cha là Lê Hữu Mưu đỗ đệ tam giáp tiến sĩ và làm quan dưới triều Lê Dụ Tôn tới bậc thượng thư. Mẹ là Bùi Thị Thưởng quê ở xứ Bầu Thượng, xã Tình Diệm, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh.
Biệt hiệu Hải Thượng do hai chữ đầu tiên tỉnh (Hải Dương) và tên phủ (Thượng Hồng), nhưng cũng có thể do chữ Bầu thượng là quê mẹ và là nơi Hải Thượng ở lâu nhất, từ năm 26 tuổi đến khi mất. Hải Thượng Lãn Ông có nghĩa là ông lười ở Hải Thượng. Nhưng thực tế chúng ta sẽ thấy lười ở đây là lười với công danh phú quý, nhưng rất chăm chỉ đối với sự nghiệp chữa bệnh cứu người.
Lúc nhỏ, Lê Hữu Trác theo cha lưu học ở thủ đô Thăng Long. Ngày còn đi học, Lê Hữu Trác đã nổi tiếng là học trò hay chữ, và đã thi vào tam trường.
Năm 19 tuổi, cha mất sớm nên Lê Hữu Trác phải thôi học về nhà chịu tang. Lúc này khắp nơi nghĩa quân nổi lên chống chính sách hà khắc của chúa Trịnh, nhân dân rất khổ sở, nghĩa quân lại nổi ngay ở làng bên cạnh quê hương, nên không thể ngồi yên mà học được. Lê Hữu Trác đành xếp bút nghiên theo nghiệp kiếm cung. Nhưng để chuẩn bị vào nghiệp kiếm cung, Lê Hữu Trác đã có những ý kiến khác với nhiều thanh niên thời đó. Lê Hữu Trác đã tìm gặp một ẩn sĩ họ Vũ ở làng Đặng Xá, huyện Hoài An rất giỏi môn Thiên nhân (một môn học về thiên văn, địa lí, bày binh bố trận, bói toán...) dạy cho thuật âm dương (3). Sau vài năm nghiên cứu thuật âm dương, Lê Hữu Trác mới đeo gươm tòng quân. Lê Hữu Trác đã viết về thời kỳ này của đời mình như sau: “... Tôi nghiên cứu thuật âm dương trong vòng vài năm, cũng biết được đại khái, mới đeo gươm tòng quân để thí nghiệm sức học của mình. Vượt bao phen nguy hiểm, tôi cũng được bình yên. Những kế hoạch trù tính trong quân cơ phần nhiều đều phù hợp... Thống tướng (của chúa Trịnh) nhiều phen muốn đề bạt nhưng tôi nghĩ: chí bình sinh chưa thỏa mãn thì cầu cạnh làm chi...”.
Rõ ràng đây là công việc không hợp ý Lê Hữu Trác. Cho nên khi được tin người anh mất, Lê Hữu Trác xin ra khỏi quân ngũ, lấy cớ về thay anh “nuồi mẹ già 70 tuổi và mấy cháu mồ côi” ở Hương Sơn.
Về Hương Sơn không lâu thì Lê Hữu Trác bị ốm nặng trong vòng hai, ba năm liền chữa khắp nơi không khỏi. Chính trận ốm này là bước ngoặt quan trọng đối với cuộc đời của Lê Hữu Trác và nghề thuốc Việt Nam. Sau nhiều năm tìm thầy chữa bệnh không kết quả, Lê Hữu Trác nhờ cáng đến nhà một thầy thuốc ở Rú Thành thuộc xã Trung Cần, huyện Thanh Chương (nay là xã Nam Trung, huyên Nam Đàn, tỉnh Nghệ An) tên là Trần Độc thi đỗ cử nhân rồi ở nhà làm thuốc được nhân dân rất tín nhiệm. Qua hơn một năm ở nhà thầy thuốc, Lê Hữu Trác đã khỏi bệnh. Trong thời gian nằm chữa bệnh ở đây, những lúc rỗi rãi Lê Hữu Trác mượn bộ sách thuốc Phùng thi cẩm nang Trung quốc để đọc, phần lớn đều hiểu thấu, thầy thuốc Trần Độc lấy làm lạ và đã có ý muốn truyền đạt nghề mình cho Lê Hữu Trác. Mặc dù lúc này Lê Hữu Trác đã phát hiên thấy trên đời còn một công việc rất quan trọng đối với con người là bảo vê sức khỏe, chữa bệnh cứu người nhưng cũng chưa quyết chí học thuốc. Lê Hữu Trác đã viết: “... Những chỗ ý nghĩa sâu xa về dịch lý âm dương trong sách thuốc, tôi đều hiểu thấu. Trần tiên sinh lấy làm lạ muốn đem hết cái hiểu biết vế y học dạy cho tôi, nhưng lúc bấy giờ vì bận việc tôi chưa chú ý học...”.
Đến khi Lê Hữu Trác 30 tuổi, sức khỏe đã trở lại, tướng của chúa Trịnh cho người tới mời Lê Hữu Trác trở về quân ngũ, Lê Hữu Trác cố ý xin từ và lúc này mới quyết chí học thuốc. Lê Hữu Trác viết: “... Cái chí bon chen trong trường danh lợi mình đã vứt bỏ đi lâu rồi, nên xin cố từ, lấy cớ còn mẹ già không thể đi xa được. Và trở lại Hương Sơn làm nhà ở ven rừng quyết chí học thuốc, tìm đọc khắp các sách, đêm ngày mài miệt, tiếc từng giây phút”. Và từ đấy Lê Hữu Trác lấy biệt hiệu là Hải Thượng Lãn Ông.
Vì nơi ở của Hải Thượng rất hẻo lánh, trên không có thầy giỏi để học, dưới không có bạn hiền giúp cho, Hải Thượng phải tự học là chính. Để việc học tập có kết quả hơn, Hải Thượng đã làm bạn với một thầy thuốc nữa cũng họ Trần ở làng Đỗ Xá gần làng Tình Diệm để cùng nhau trao đổi những kiến thức thu thập được trong khi đọc sách.
Do kiến thức rộng, chẩn bệnh kê đơn thận trọng cho nên Hải Thượng Lãn Ông đã chữa khỏi nhiều trường hợp khó mà người khác chữa không khỏi, tên tuổi Hải Thượng lan nhanh khắp nơi, tới tận thủ đô Thăng Long. Trong thời kỳ này, cùng với việc chữa bệnh Hài Thượng Lãn Ông đã mở trường dào tạo thầy thuốc, người quanh vùng và các nơi xa nghe tiếng đều tìm đến học. Lãn Ông lại tổ chức ra Hội y ?? nhằm đoàn kết những người đã học xong ra làm nghề và để có cơ sở cho họ liên hệ trao đổi học hỏi nhau.
Vừa chữa bệnh, vừa dạy học, Hải Thượng Lãn Ông vừa biên soạn sách, vì Hải Thượng nghĩ rằng: “... tôi thấy y lí bao la, sách vở chồng chất, chia môn xếp loại tản mạn vô cùng. Những sách do những bậc hiền triết tiền bối luận về bệnh, về ý nghĩa đơn thuốc, về tính vị bài thuốc có nhiều chỗ chưa nói đến nơi đến chốn, tất phải thâu tóm hàng trăm cuốn, đúc thành một pho để tiện xem, tiện đọc”.
Năm 62 tuổi, Hải Thượng Lãn Ông được chúa Trịnh Sâm triệu ra thủ đô Thăng Long để chữa bệnh cho con là Trịnh Cán. Việc ra thủ đô vào lúc tuổi già, đó là một điều bất đắc dĩ đối với Hải Thượng. Nhưng lòng mong ước được nhân dịp này tìm cách in ra để phổ biến rộng rãi tác phẩm của mình, vì vậy Hải Thượng ra đi. Hải Thượng đã kể lại tâm sự của mình trong tập Thượng kinh kỹ sự (kể chuyện ra thủ đô) về lúc này như sau: “... Bấy giờ tôi bứt rứt không biết là chừng nào, suốt đêm không ngủ. Tôi tự nghĩ: mình lúc trẻ mài gươm đọc sách, rồi nay đây mai đó, trong 15 năm đã không làm nên công trạng gì. Nay đã vứt bỏ công danh về ẩn ở núi Hương Sơn, dựng lều, nuôi mẹ, đọc sách mong tiêu dao trong vườn đạo lý của Hoàng Đế, Kỳ Bá hai tổ sư của Đông y tự lấy việc giữ gìn cho mình, cứu giúp người là đắc sách. Ai ngờ nay lại khổ về cái hư danh. Nhưng mình đã dày công nghiên cứu y học trong vòng 30 năm, soạn được một bộ Tâm Lĩnh không dám truyền thụ riêng cho ai, chỉ muốn đem ra công bố cho mọi người cùng biết. Nhưng việc thì nặng, sức lại mỏng, khó mà làm được. Quỷ thần hiểu thấu lòng mình, chuyến này đi có chỗ may mắn đây cũng chưa biết chừng”.
Không may cho Hải Thượng, ra thù đô Thăng Long ở gần một năm trời, cả hai việc đều không thành: Đến thủ đô, Hải Thượng được đưa vào khám bệnh ngay cho Trịnh Cán, nhưng đơn thuốc kê lên bị các thầy thuốc khác trong phủ chúa gièm pha và không được dùng. Sách thuốc cũng chẳng tìm được ai chịu trách nhiệm cho in. Nhưng cũng chính trong chuyến đi này, Hải Thượng đã rất vui mừng được biết sách thuốc của mình biên soạn không những đã được học trò sao chép dùng tại chỗ mà còn được đưa đi rất xa tới tận thủ đô và có người nhờ học sách thuốc của mình mà đã trở thành thầy thuốc giỏi ở thủ đô nên đã lập bàn thờ, thờ sống Hải Thượng để tỏ lòng nhớ ơn.
Cuối năm đó (1782) Hải Thượng Lãn Ông trở lại Hương Sơn, tiếp tục dạy học, biên soạn thêm một số tập trong toàn bộ tác phẩm “Y tông tâm lĩnh” cho đến khi ông mất. Nhân dân táng mộ Hải Thượng ở chân núi Minh Từ, khe Nước cạn, cách thị trấn Phố Châu, huyên Hương Sơn 4km, hiện nay vẫn còn.
Hải Thượng Lãn Ông được nhân dân đương thời chú ý và trọng vọng do tài chữa bệnh, dạy học, viết sách và làm thơ văn.
Sau khi Hải Thượng Lãn Ông mất, cho đến ngày nay chúng ta biết, học tập và nhớ ơn Hải Thượng Lãn Ông là do tác phẩm “Y tông tâm lĩnh” nghĩa là những điều đã lĩnh hội được của những thầy thuốc trước. Hiện nay người ta gọi tác phẩm này là “Hải Thượng y tông tâm lĩnh”.
Bộ sách này được Hải Thượng Lãn Ông biên soạn trong vòng 10 năm: Bắt đầu vào lúc Hải Thượng 40 tuổi (1760), căn bản hoàn thành khi Hài Thượng Lãn Ông tròn 50 tuổi (1770), nhưng từ đó cho đến một năm trước khi mất, nghĩa là trong vòng 20 năm nữa, Hải Thượng còn bổ sung viết thêm một số tập nữa như y hải cầu nguyên (1782), Thượng kính ký sự (1783), Vận khí bí điển (1786). Toàn bộ sách Hải Thượng Lãn Ông để lại, bao gồm 28 tập và chia thành 66 quyển.
Một điểm đặc sắc đâu tiên nổi bật của bộ sách “Y tông tâm lĩnh” là Hải Thượng Lãn Ông đã tiếp thu có phê phán, chọn lọc rồi vận dụng những kiến thức cơ bản vào điều kiện cụ thể về khí hậu, về con người và về cả cách suy nghĩ của con người Việt Nam, nhất là những lý luận cơ bản của nền y học Trung quốc cũng như những kinh nghiệm chữa bệnh của những thầy thuốc trước, của nhân dân lao động trong và ngoài nước, kể cả một số ít giáo sĩ phương Tây khi ấy mới sang Việt Nam ta. Và khác với nhiều người viết sách trước, có tiếp thu của người khác nhưng cứ lơ đi, coi như đó là của mình, Hải Thượng Lãn Ông đã trình bày rõ ràng, trung thực trong mỗi tập sách viết ra là mình đã tiếp thu ý kiến của người xưa như thế nào để người đọc có thể có điều kiện kiểm tra hoặc dễ dàng có ý kiến phê phán trả lại.
Cùng với những lời tâm sự đã dẫn Hải Thượng Lãn Ông đến việc biên soạn bộ sách đã giới thiệu ở phần trên, chúng ta hãy cùng nhau trích đọc một vài đoạn nữa trong bộ “Y tông tâm lĩnh”.
Mờ đầu tập “Âu ấu tu tri” (nói về cách chữa bệnh trẻ em). Hài Thượng viết: “....Sách có nói: Chữa mười người nam không bằng chữa cho một người nữ, chữa cho mười người nữ không bằng chữa cho một người già, chữa mười người già không bằng chữa cho một em bé... vì trẻ con đau đớn chổ nào không nói lên được mà chỉ thấy khóc, chứ không hiểu được đau bệnh gì cho nên chẩn trị không gì khó bằng. Riêng Cảnh Nhạc có luận rằng: Chữa bệnh trẻ em so với chữa bệnh người lớn lại rất dễ vì trẻ con bên ngoài không bị khí lục dâm dày dạn lâu ngày, bên trong cũng không bị bảy loại tình cảm dày vò, trừ các chứng kinh phong cam tích ra hễ trẻ có bệnh thì phần nhiều là do ăn uống mà ra, nếu xét rõ được nguyên nhân mà điều trị thì đã dễ lại càng thêm dễ. Đọc đến đây, tôi ngạc nhiên, tấm tắc khen rằng: Thật là nghe những lời từ xưa chưa từng nghe nói những lời mà mọi người khó nói được. Từ Hiên Viên, Kỳ Bá đến nay chỉ có một người ấy thôi...
Tại sao người đời trị bệnh trẻ em lại không xét cái ý trẻ em là thuần dương vô âm, nên bỏ âm để phối dương, mà cứ cho là thuần dương nên dễ phát nóng, rồi hễ cho thuốc thì cứ bốc những thứ thuốc đắng, lạnh, trẻ bẩm sinh vốn đã không có phần âm mà lại đánh bạt mất phần dương, âm dương đều không có, mà muốn cho mầm mống tươi tốt, thành được cây to sống lâu, chẳng là viển vông lắm sao? Tôi rất băn khoăn lo ngại về tình trạng này nên gom góp các bài luận, các đơn thuốc về nguồn gốc và chứng trạng bệnh trẻ em, của các nhà y học thành một tập nhan đề “Âu ấu tu tri” để bổ sung vào các phương pháp lập thành của người xưa, và ở cuối tập lại tiếp thêm một chương Lạc sinh, đấy là phần tâm đắc của tôi tự tay viết ra, là có ý dốc hết sở năng của mình mong muốn cứu sống trẻ em được một phần nào”.
Tuy bộ “Y tông tâm lĩnh” là một bộ sách thuốc, nhưng một trong 28 tập không những được giới y dược ưa thích mà còn được các nhà văn, nhà thơ, nhà sử cũng như nhà triết học nước ta đánh giá rất cao. Đó là tập “Thượng kinh ký sự”, trong đó Hải Thượng Lãn Ông kể lại chuyến đi ra thủ đô Thăng long chữa bệnh cho hai cha con Trịnh Sâm và Trịnh Cán, một số tầng lớp thượng lưu ở thủ đô, cũng như chuyện giao du với các nhà nho, nhà thơ ở thủ đô Thăng long từ tháng giêng đến tháng mười năm Nhâm Dần (1782). Có thể nói trước và sau Hải Thượng Lãn Ông hầu như văn học nước ta chưa có một tác phẩm viết theo lối văn kể chuyện, người thực chép việc thực, nói lại những chuyên hằng ngày.
Giá trị lịch sử của tập sách này là đã giúp ta thấy lại được một cách sinh động cuộc sống của chúa Trịnh, sinh hoạt giao du của tầng lớp; quan lại, nhà nho, mô tả một số người có vai trò nhất định trong lịch sử cuối thời Lê như chúa Trịnh Sâm, Trịnh Cán, Chánh đường Hoàng Đình Bảo (chức quan cao nhất của chúa Trịnh). Nó lại giúp ta thấy lại thủ đô Thăng long cách đây hơn 200 năm, trong đó có nhiều di tích hiên nay không còn nữa. Cũng trong tập ký sự này, chúng ta được biết đời sông và hoạt động của một số thầy thuốc trong phủ chúa Trịnh, việc bảo vệ sức khỏe của vua chúa trong thời kỳ đó. Đọc tập ký sự này, ta còn được biết trong khi nhiều người lấy làm sung sướng vì được vua chúa ban cho quan tước thì Hải Thượng lại hết sức từ chối, mà cũng chính vì thế mà thoát khỏi bị giết khi quân sĩ trong phủ chúa nổi lên giết hết các quan chức ở đây. Hải Thượng viết: “Mồng 2 tháng 11 về đến nhà … được vài hôm, nghe tin cả nhà quan chánh đường (Hoàng Đình Bảo) bị hại.... Tôi mừng thầm nói: “Mình ẩn thân nơi rừng suối, chẳng đoái hoài gì đến lợi danh. Bỗng chốc bị triệu, phải chống gậy lên kinh đô ngót một năm trời. Xin xỏ năm lần bảy lượt mới được buông tha. Vạn nhất mình không kiên quyết, mang lấy một chức quan thì bây giờ danh lợi đã chẳng thành, mà cái thân lại bị nhục, hối thì đã muộn. May sao… tuy thân mắc vào vòng danh lợi nhưng không bị lợi danh mê hoặc… mình không đến nỗi bị thiên hạ chê cười, chỉ nhờ “không tham” đó thôi”.
Do những giá tri văn thơ và lịch sử ấy nên chúng ta không ngạc nhiên khi thấy ngay từ năm 1923, tập truyện ký này đã được Nguyễn Trọng Thuật dịch và đăng ở tạp chí Nam phong, năm 1950, Dương Quảng Hàm trích in trong Việt Nam văn học sử yếu, năm 1959 Phan Võ dịch lại và nhà xuất bản Văn hóa đã cho in, nhân dịp 250 năm ngày sinh của Hải Thượng, nhà xuất bản Văn học đã cho sửa chữa lại và tái bản lần nữa.
Hai mươi bảy tập còn lại của tác phẩm này dành hoàn toàn cho những vấn đề thuần túy về chữa bệnh, dùng thuốc, nhưng do cách cấu tạo của bộ sách, lối viết đặc biệt của Hải Thượng Lãn Ông, nên bên cạnh những kiến thức chuyên môn về chữa bệnh dùng thuốc, chúng ta còn biết và học tập được ở Hài Thượng quan điểm về ngành nghề, đạo đức của người thầy thuốc cũng như nếp suy nghĩ hiếm có của một tri thức thời đó.
Về quan điểm ngành nghề. Phải sống lại hoàn cảnh lịch sử nước ta ở thế kỷ thứ XVIII, khi mà tư tưởng cầu danh lợi, ham làm quan, làm tưóng coi thường nghề thuốc đang ngự trị ở đầu óc hầu hết trí thức nước ta lúc ấy, mới thấy hết khó khăn của Hải Thượng Lãn Ông khi chọn nghề thuốc làm lẽ sống của đời mình. Hãy nghe Hải Thượng kể lại những lời bàn ra: “Một tân thủ khoa họ Trần, người bạn mới quen ở quận bên, một hôm đến chơi thấy trên bàn có chồng sách thuốc, biết tôi say sưa với nghề thuốc đã: “Tỏ lời can ngăn đôi ba lần mà không thể được” lại nói thêm “Đạo lý rất lớn nhưng gọi là Đạo tức là đường lối trị nước”... Chính sách hay phép tắc tốt thì sử sách còn ghi, còn như đạo làm thuốc chỉ thấy chép ở ngoại sử. Tuy Ngũ đế kỉ có chỗ chép về nghề thuốc thì lại chi nói song song với việc làm ruộng mà thôi, ngoài ra không thấy đâu nói đến cả. Cho nên nhà nho đời này qua đời khác đều học tập kinh nghiệm Xuân Thu, sử Tư Mã, dùi mài suốt đông sang hè đủ để làm bước thang phú quí, lẫy lừng công danh. Còn như việc làm thuốc chỉ là một nghệ thuật mà thôi. Nếu như có ai coi trọng một chút thì nói là nhân thuật là cùng. Như vậy, phải chăng đạo làm thuốc không chính thức là nền tảng trong đạo lý của người đời đó ru?”.
Ngay cá khi được thấy Hải Thượng được chúa Trịnh triệu ra thủ đô Thăng long, một vị quan văn thư có nhiệm vụ đưa Hải Thượng lên kinh đô đã cho rằng, hẳn là vị tài gì khác mà Hải Thượng được tiến cử chứ không phải do nghề thuốc nên vị quan này đã nói: “Tôi nghe quan lớn tôi nói cụ là bậc cao ẩn, mượn tiếng thầy thuốc đó thôi”.
Nhưng chúng ta thấy, mặc ai nói ra nói vào, lòng yêu nghề thuốc của Hải Thượng vẫn không thay đổi vì “nghề này có thể giúp người ta yên vui”, vì “đạo làm thuốc cũng giống như đạo làm tướng”.
Về đạo đức của người thầy thuốc. Hải Thượng viết: “Đã là thầy thuốc thì nên nghĩ đến việc giúp người, không nên vắng nhà lâu để tìm vui thú riêng như đi chơi ngắm cảnh, mang rượu lên núi uống chơi, vì nhỡ có bệnh cấp cứu, người ta tìm thấy không gặp kịp, hại đến tính mạng con người”. Hoặc như “Nếu cùng một lúc có nhiều người mời đi thăm bệnh thì phải căn cứ vào bệnh cấp đi trước, bệnh không cấp đi sau chứ không nên vì người bệnh giàu hay nghèo mà đến trước đến sau, như lúc cho thuốc cũng căn cứ vào tật bệnh chứ không nên căn cứ vào tiền ít mà cho thuốc tốt xấu”.
“Phàm học thuốc, phải luôn luôn trau dồi nghiệp vụ: Khi có chút thời giờ nhàn rỗi, nên luôn luôn nghiên cứu sách thuốc xưa nay, luôn luôn phát huy biến hóa thâu nhập được vào tâm, thấy rõ được ở mắt, thì tự nhiên ứng được vào việc làm mà không phạm sai lầm”.
“Chữa bệnh phải toàn diện. Khi đến xem bệnh ở những nhà nghèo túng hay những người mồ côi goá bụa hiếm hoi lại càng nên chăm sóc đặc biệt, vì những người giàu sang không lo không có người chữa, còn những người nghèo khó thì không đủ sức đón thầy giòi, vậy ta nên để tâm một chút, họ sẽ được sống một đời.... Những người con thảo, vợ hiền, nghèo mà mắc bệnh, ngoài việc cho thuốc, lại tuỳ sức mình mà chu cấp cho họ nữa, vì có thuốc mà không có ân, thì cũng vẫn đi đến chỗ chết. Cần phải cho họ được sống toàn diện, thì mới đúng là nhân thuật”.
Đáng quý hơn nữa, và điều này hầu như ít thấy ở những thầy thuốc trước và sau Hải Thượng Lãn Ông: Đó là tinh thần không giấu dốt, dám mạnh dạn trình bày những trường hợp bệnh không khỏi, người bệnh đã chết, để người sau rút kinh nghiệm. Thực vậy, cùng với tập “Dương án” trong đó kể lại 17 bệnh án khó mà chữa khỏi, Hải Thượng còn viết một tập gọi là “Âm án”, trong đó Hải Thượng đã trình bày 12 trường hợp bệnh khó, và mặc dù đã đem hết tình thần cứu chữa đến cùng, còn nước còn tát của mình, nhưng cuối cùng người bệnh vẫn chết. Lý do cầm bút biên tập “Âm án”, Hải Thượng đã viết như sau:
“Nghề làm thuốc là nhân thuật, thầy thuốc phải việc cứu giúp người làm hay. Nhưng thói thường cứu được một người thì hoa chân múa tay biểu dương cho mọi người cùng biết, còn lỡ thất bại thì giấu đi, thường người ta hay giấu những thói xấu của mình, mà không đem sự thực nói với người khác... Trong việc chữa bệnh, tôi từng ứng biến để đối phó với bệnh tình, chuyển nặng ra nhẹ, cứu chết lấy sống được bao nhiều trường hợp mà vẫn có những chứng phảị bó tay đợi chết cũng không phải là ít.
.Tôi không tự thẹn với trình độ thấp kém trong việc cứu người cho nên ngoài những “Dương án” lại chép thêm một tập kể lại những lời khó nói ra được, gọi là “Âm án”.
Mong những bậc trí thức có chí làm thuốc sau này, khi thấy những chỗ hay của tôi chưa đáng bắt chước, nhưng thấy chỗ dở của tôi cần phải lấy làm gương, không nên quá yêu tôi mà bảo: Chỉ chữa được bệnh mà không chữa được mệnh. Thì đó mới là cái may cho đạo y”.
Chỉ đọc một vài đoạn trích trong toàn bộ tác phẩm “Y tông tâm lĩnh”, chúng ta cũng thấy những tâm tư suy nghĩ cao quý của Hải Thượng Lãn Ông. Và chúng ta không ngạc nhiên khi thấy Hải Thượng còn sống, còn dạy học, thì mỗi lời, môi câu trong tác phẩm của Hài Thượng đều được học trò của mình chép lại một cách đầy đủ. Cho đến khi Hải Thượng Lãn Ông đã mất đi rồi, những người học trò trực tiếp của Hải Thượng Lãn Ông cũng không còn nữa, đáng lẽ người ta chỉ cần chép lại những kiến thức thuần túy về chuyên môn chữa bệnh, chế thuốc và dùng thuốc thì người ta vẫn chép lại đẩy đủ cả những suy nghĩ tâm tư của Hải Thượng. Tác phẩm “Y tông tâm lĩnh” của Hải Thượng Lãn Ông tuy hoàn thành về căn bản vào năm 1770 nhưng đã tồn tại gần như nguyên vẹn bằng con đường chép tay, chuyển người này qua người khác, để chờ 115 năm sau (1885) mới được khắc gỗ và in ra phổ biến rộng rãi trong nhân dân và truyền đến ngày nay.
Hải Thượng Lãn Ông - Lê Hữu Trác, thân thế và sự nghiệp, là niềm tự hào của dân tộc ta. Tuy sống cách ta hơn 250 năm, những tư tưởng và phương pháp tư tưởng tiến bộ cũng như thái độ khoa học chân chính của Hải Thượng Lãn Ông vẫn còn là bài học còn tính chất thời sự và rất quý báu đối với chúng ta ngày nay.
(1). Đã đăng trong tạp chí ” Tin tức hoạt động khoa học “ (Tháng 12-1970 tr. 33-37) U.B khoa học và kỹ thuật nhà nước. Những năm trước đây, theo phong tục cũ, chúng ta kỷ niệm ngày sinh của Hải Thượng Lãn Ông - Lê Hữu Trác vào ngày 15 tháng giêng âm lịch (ngày mất của ông).
(2). Theo Đại Nam Nhất thống chí ghi là Lê Hữu Huân, nhưng các bản in trong tác phẩm của Hải Thượng Lãn Ông đều ghi là Lê Hữu Trác.
(3). Thuật âm dương nói ở đây là một môn học của Vương Hứ thời Đông Chu Liệt quốc tức là Quỷ Cốc tử đã dạy cho Tôn Tẫn và Bàng Quyên về binh pháp, cho Tô Tần và Trương Nghi về thuật biện luận du thuyết, bói toán chỉ là một phần của môn học này.
HẢI THƯỢNG Y TÔNG TÂM LĨNH
ĐÃ ĐƯỢC VIẾT VÀ IN RA NHƯ THẾ NÀO? (*)
(Giáo sư tiến sĩ Đỗ Tất Lợi)
Hải Thượng Lãn Ông được chúng ta biết, nhớ ơn và kỷ niệm là nhờ tác phẩm “Y tông tâm lĩnh” gồm 28 tập viết về mọi mặt của ngành y dược cổ truyền cả y lẫn dược, cà phòng bệnh và chữa bệnh, cà bệnh phụ nữ và trẻ em...
Nhằm mục đích giới thiệu tài liệu tham khảo, nghiên cứu và phổ biến tác phẩm có giá trị này trong giới y dược từ 1961 trở lại đây, hầu hết những tập sách này đã được Viện nghiên cứu đông y (VNCĐY) cho dịch và nhà xuất bản y học đã cho in, phát hành rộng rãi rồi in lại nhiều lần.
Ngoài những tập chỉ nói về y và dược, trong tấc phẩm này còn có một tập nhan đề “Thượng kinh ký sự” kể chuyên Hải Thượng Lãn Ông lên kinh đô chữa bệnh cho Trịnh Sâm, Trịnh Cán và giao du với quan chức, các nhà nho, nhà thơ ở thủ đô Thẳng Long (1). Tập ký sự này có giá trị lớn về văn học và sử học vì có thể nói rằng trong thời cổ, trước và sau Lãn Ông hầu như văn học nước ta chưa có một tác phẩm nào viết theo lối văn kể chuyện người thực, việc thực kể những chuyên về cuộc sống hàng ngày. Tập sách giúp ta thấy lại được một phần sự thực của lịch sử hồi đó. Đọc “Thượng kinh ký sự” chúng ta có thể thấy được một cách sinh động cuộc sống của chúa Trịnh, sinh hoạt giao du của tầng lớp quan lại nhà nho và một số người có vai trò nhất định trong lịch sử cuối nhà Lê như Trịnh Sâm, Trịnh Cán, Hoàng Đình Bảo. Đọc sách, ta thấy lại thủ đô Thăng long cách đây gần 300 năm, có nhiều di tích hiện nay không còn nữa, cũng qua tập ký sự này, chúng ta được biết đời sống và hoạt động của một số thầy thuốc trong phủ chúa Trịnh, việc bảo vệ sức khỏe của vua chúa trong thời kỳ đó.
Trong phạm vi bài này, chúng tôi chỉ muốn đóng khung tìm hiểu một số vấn đề sau đây: Tác phẩm “Hải Thượng y tông tâm lĩnh” được viết ra như thế nào? Tập sách được bảo tồn như thế nào mà sách viết từ 1770 (năm Canh Dần niên hiệu Cảnh Hưng nhà Lê) đến hơn 100 năm sau nghĩa là vào năm 1885 (năm đầu niên hiệu Hàm Nghi nhà Nguyên) vẫn còn tìm lại được các bản chép tay để in ra?
Tác phẩm “Hải Thượng y tông tâm lĩnh” được viết ra trong điều kiên nào? Chỉ cần đọc toàn bộ tác phẩm, đọc những lời tựa, lời nói đầu của các tập sách và nhất là tập đầu của tác phẩm (NXBYH) xuất bản với tên Y huấn cách ngôn, chúng ta có thể có được những dẫn liệu dưới đây giúp ta hình dung được điều kiện Hải Thượng Lãn Ông đã viết bộ sách
Ví dụ trong Lời tựa quyển đầu, Hải Thượng viết:
“Trải qua mấy năm, tôi mới biên thành một bộ, đặt tên là “Lãn Ông tâm lĩnh” dùng riêng trong nhà, định để truyền lại cho con cháu... Tuần đầu tháng trọng xuân, năm Canh Dần niên hiệu Cảnh Hưng (1770)”. Như vậy là bộ sách được căn bản hoàn thành vào năm Hài Thượng Lãn Ông vừa tròn 45 tuổi, vì Hải Thượng Lãn Ông sinh ngày 12 tháng 11 năm Giáp Thìn niên hiệu Bảo Thái năm thứ 5 (1725).
Trong “Phàm lệ” ở quyển đầu, Hải Thượng Lãn Ông lại viết:
“Tôi từng miệt mài học thuốc trong 20 năm, khổ tâm cầu đạo, muốn được biết đến nơi đến chốn, mới khỏi hổ thẹn, nhưng không phải là tài thánh, sinh ra mà biết, lại không có thầy dậy bảo, sự học tập càng thêm cô độc... mới lấy sách “Nội kinh” làm gốc, sách “Cẩm nang” và “Cảnh Nhạc” làm đề cương tham hợp với các sách của các bậc tiên hiền, hoặc noi theo ý nghĩa, hoặc giải thích chỗ khó khăn nghi ngờ hoặc bổ sung vào chỗ thiếu sót hoặc thêm vào những kinh nghiệm và tâm đắc, hơn 10 năm giãi bầy can trường đem hết tâm trí mới tìm ra mối manh, viết thành sách, chia làm 28 tập gồm 66 quyển, mỗi tập đều có lời tiểu dẫn và mục lục để lên đầu”.
Qua đây, chúng ta thấy căn bản Hải Thượng Lãn Ông dựa vào một số sách thuốc xưa làm nòng cốt, rồi hoặc là viết lại theo nhận thức của mình, thêm vào những kinh nghiệm tâm đắc mà cũng mất hơn 10 năm trời và như vây sách được bắt đầu viết vào lúc Hải Thượng gần 45 tuổi.
Tuy nhiên, ở mục “Y nghiệp thần chương” cũng ở đoạn đầu Hãi Thượng lại viết:
“Tôi từ 30 đến 40 tuổi mới biết làm thuốc, từ 40 đến 50 tuổi mới ít lầm, từ 50 đến 60-70 tuổi mới khỏi lầm...”. Như vậy có nghĩa là trong quá trình từ lúc viết xong đến trước khì chết, Hải Thượng Lãn Ông còn sửa chữa và bổ sung nhiều lần. Vì nếu đúng như lời Hài Thượng viết ở đây thì một năm trước khi mất Hải Thượng còn sửa thêm vì Hải Thượng mất vào ngày 15 tháng giêng năm Tân hợi (1791) thọ 71 tuổi.
Sách viết công phu như vây, nhưng cho đến khi Hài Thượng Lãn Ông 61 tuổi, được mời lên Kinh đô Thăng long, chữa bệnh cho chúa Trịnh vào năm Nhâm Dần niên hiệu cảnh Hưng thứ 43 (1781) sách vẫn chỉ được dùng cho Hảì Thượng dạy học, và được các học trò của mình chép lại mà thôi, chứ không được in ra. Cho nên, mặc dù thấy sự phải lên Kinh đô chữa bệnh cho chúa Trịnh làm phiền phức, nhưng Hải Thượng muốn nhân dịp này tìm cách in bộ sách. Hải Thượng đã giãi bầy tâm sự của mình như sau:
“... Mình lao tâm tiêu tứ về đường y học đã 30 năm nay mới viết được bộ Tâm Lĩnh, không giám truyền thụ riêng cho ai, chỉ muốn đem ra công bố cho mọi người cùng biết. Nhưng việc thì nặng sức lại mỏng, khó mà làm được. Quỷ thần hiểu thấu lòng mình, chuyến này đi có chỗ may mắn đây cũng chưa biết chừng”.
Đọc “Thượng kinh ký sự” chúng ta biết được ước mong đó của Hải Thượng không thực hiện được, vì đơn thuốc đưa ra còn không được dùng thì sách làm sao mà được in ra. Nhưng cũng trong chuyến đì này, Hải Thượng đã được biết các sách thuốc ông viết không những đã được học trò của mình chép để sử dụng tại chỗ mà còn được đưa đi các nơi khác, đem lại ảnh hưởng không nhỏ. Hải Thượng viết: “... Bấy giờ có một người học trò tên là Tổng Thuần (1) nói với tôi: Năm xưa con có một người bạn thân tên là Sự, con một người Hoa kiều. Anh ta về quê mẹ ở Lai Triều tức là Hiến Nam Cung nay dời nhà đến cửa tây ở Khương Dinh làm nghề bốc thuốc. Con thấy anh ta là người hiếu hữu nên có cho anh ta bộ Tâm Lĩnh của thầy. Từ đó anh ta ngày đêm học tập, tay không rời sách, học thuật môi ngày một tiến nổi tiếng ở Thủ đô. Anh ta thường than rằng mình ở xa ngàn dặm, không được làm học trò thầy, chỉ được ngưỡng mộ xuông thôi. Anh ta muốn về quê thầy lậy chào, nhưng vì còn phải nuôi mẹ già nên không đi xa được. Anh ta có lập một bàn thờ, thờ sống thầy, sớm chiều hương khói để báo ơn thầy...”.
Qua đoạn văn ký sự này ta thấy bộ sách “Lãn Ông tâm lĩnh” được lưu truyền lại như thế nào? Hải Thượng viết sách, dùng sách đó dạy học trò làm thuốc. Các học trò chép bài của thầy, người một bản, người hai bản cứ thế mà phổ biến rộng mãi ra, vượt khỏi vùng Hương Sơn, Hà Tĩnh là nơi Hải Thượng Lãn Ông ở, làm thuốc và dậy học trò. Chỉ bằng cách như vậy mà bộ sách tồn tại tới hơn 100 năm cho đến khi sách được in ra.
Tác phẩm “Lãn Ông tâm lĩnh” được in ra như thế nào?
Hải Thượng Lãn Ông mất đi mà sách vẫn chưa được in. Mãi tới gần một thế kỷ sau, vào năm Ất Hợi niên hiệu Tự Đức (1855) một lương y đem đến cho Vũ Xuân Hiên một vài quyển sách thuốc của Hải Thượng Lãn Ông. Vũ Xuân Hiên xem thấy hay, nhưng vì thiếu sót, mất mát nhiều, nên bắt đầu đặt vấn đề sưu tầm. Phải trải qua một thời gian khá lâu mới tìm và thu thập dược 15 tập và gần 10 năm sau, tức là vào mùa thu Giáp Tý (1864), Vũ Xuân Hiên mới được một người cháu năm đời của Hải Thượng, ở làng Tình Diệm huyên Hương Sơn, Hà Tĩnh đem cho 21 tập bản chính do Hải Thượng để lại. Sau khi đã tham khảo, đính chính, biên chép lại được bảy tám mươi phần trăm toàn bộ sách, Vũ Xuân Hiên có ý định đưa đi in. Lời thuyết minh về việc sưu tầm pho sách của Hải Thượng được viết vào mùa thu năm Bính Dần niên hiệu Tự Đức (1866) và nhờ tiến sĩ Lê Cúc Linh, người có nhà riêng bên Hồ Hoàn Kiếm, viết giới thiệu trước khi đưa in. Như vậy từ khi Vũ Xuân Hiên có ý thức đặt vấn đề sưu tầm lại cho đến khi thu thập được 70-80% toàn bộ sách để đưa in đã trải qua mất mười một năm. Nhưng từ khi đưa đến nơi in cho đến khi sách được in ra lại phải trải qua một thời gian dài nữa.
Vũ Xuân Hiên đưa bộ sách đã thu thập được đến nhà sư Thanh Cao, trụ trì chùa Đồng Nhân, huyện Võ Giàng phủ Từ Sơn tỉnh Bắc Ninh cũ để cho khắc và in. Nhưng mặc dù sư Thanh Cao là người cùng quê với Hải Thượng (2) và cũng là người rất thích thuốc nên rất mong in bộ sách, nhưng vì công việc in kinh phật của chùa bề bộn, tiền và giấy nhân dân quyên góp có hạn, cho nên đã để kéo dài thêm mười một năm nữa. Cho đến năm Tự Đức thứ ba mươi (1877) có người góp ý là tiền ít thì cứ tiền công khắc đến đâu lại tiếp tục quyên góp đến đấy. Rồi sư Thanh Cao lại thu thập được thêm 4 quyển nữa, là 55 quyển. Do đó năm 1878, sư Thanh Cao đã nhờ một nhà nho đã đỗ Giải nguyên họ Nguyên làm bài văn quyên tiền (3). Năm 1879 sư Thanh Cao lại mời một số khá đồng lương y và nhà nho quanh vùng đính chính lại những chỗ sai sót một lần nữa rồi thuê khắc và cho in… Và đến năm đầu niên hiệu Hàm Nghi (1885) thì bộ sách hoàn thành. Theo lời giới thiệu của nhà sư Thanh Cao chúng ta biết được rằng lúc này tác phẩm của Hải Thượng Lãn Ông mới thu thập lại được 55 quyển trong số 66 quyển, và tuy thu thập sửa chữa như vậy rồi nhưng trong bản in vẫn còn nhiều chỗ phải bỏ trống để chờ đính chính bổ sung sau. Như vây tính từ khi Vũ Xuân Hiên bắt đầu thu thập (1855) đến khi sách được in ra 55 quyển (1885) vừa đúng hết 30 năm, và nếu tính từ lúc sách được biên soạn xong (1770) đến khi được in ra (1885) vừa đúng hết một trăm mười lăm năm.
Hiện nay chúng ta có trong tay hơn 55 quyển, vậy thì những quyền sau này và là những quyển nào được tìm thấy và in ra năm nào thì chúng ta chưa có cơ sở để phán đoán. Nhũmg phần phân tích trên đã cho chúng ta thấy chỉ bằng nghiên cứu những lời ghi trong tác phẩm của Hải Thượng, rồi đối chiếu so sánh, là ta có thể hiểu được phần nào tại sao Hải Thượng đã viết bộ sách, viết từ bao giờ và thời gian sách được thu thập và in ra.
Cũng chính qua tác phẩm mà chúng ta biết được tâm tư và tình cảm của Hải Thượng Lãn Ông, một phần nào cuộc đời và cách suy nghĩ của Hải Thượng. Tác phẩm giúp ta điều kiện tìm hiểu cuộc đời và tâm tư của Hài Thượng Lãn ông hơn các thầy thuốc khác truớc Lãn ông như Tuệ Tĩnh, tác giả bộ “Nam dược thần hiệu”.
Đây cũng là một nét đặc sắc của tác phẩm của Hải Thượng. Khi viết sách y dược luôn luôn chú ý cùng với việc trình bày những kiến thức chuyên môn, lồng những suy nghĩ riêng tư của mình. Và có lẽ những suy nghĩ riêng tư ấy, đã đại diện cho những suy nghĩ của phần đông những người cùng nghề cùng cảnh, cho nên trong thời gian Hải Thượng Lãn Ông còn sống, còn dạy học trò thì học trò chép lại đầy đủ bất cứ lời nào của ông thầy.
Khi Hải Thượng mất đi, người học trò mất đi, mặc dầu thời gian có hạn, giấy viết cũng có hạn nhưng những người sao chép lại những sách của Hải Thượng vẫn thấy những lời nói lên những suy nghĩ riêng tư ấy là của mình, là một phần không thể thiếu được trong bộ sách nên vẫn chép lại đầy đủ.
Phải chăng đó là lý do làm cho tác phẩm của Hải Thượng tồn tại gần như nguyên vẹn qua gần một thế kỷ sao chép người này qua tay người khác trước khi được Vũ Xuân Hiên, được nhà sư Thanh Cao và nhiều người khác đặt vấn đề thu thập lại, đem khắc in, để phổ biến rộng rãi trong nhân dân, và hiện nay được dịch và in ra cho chúng ta tham khảo áp dụng trong phong trào thừa kế và phát huy vốn cũ của dân tộc.
Ghi chú:
(*). Đã đăng trong Tạp chí y học thực hành (Bộ Y tế - số 168 năm 1970 tr.2,3 và 28).
(1).Tổng Thuần cùng đi theo Hải Thượng từ Hà Tĩnh ra Thăng Long (Đ.T.L chú thích)
(2) . Quê chính Hải Thượng ở thôn Văn Xã, huyện Đường Hào, phủ Thượng Hồng, tỉnh Hài Dương nay là xã Hoàng Hữu Nam, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên, về sau Hải Thuợng vào ở quê mẹ, Hương Sơn tỉnh Hà Tĩnh.
(3) . Xưa kia, nhà chùa mỗi khi in kinh phật hay sách thuốc, thường phân bố các nhà sư trong chùa đến từng nhà dân, trình bầy ý nghĩa công việc định làm và xin nhân dân kẻ ít, người nhiều góp tiền, gạo để giúp nhà chùa thực hiện nhiệm vụ.
Đã in trong Y học thực hành số 169 năm 1970 tr. 1,2 và 3.
HẢI THƯỢNG LÃN ÔNG (*)
1725-1792
Cụ Hải Thượng Lãn Ông là người họ Lê, tên là Hữu Trác, có lần đổi là Hữu Chẩn, người làng Liệu Xá, huyên Đường Hào, phủ Thượng Hồng, tỉnh Hải Dương, hiện bây giờ là huyên Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên. Cụ là con thứ bảy ông tiến sĩ Lê Hữu Mưu về triều Hậu Lê. Cụ sinh ngày 12 tháng 11 năm Giáp Thìn, niên hiệu Bảo Thái năm thứ 5 (1725) ở tỉnh Nghệ An, vì khi ấy thân sinh cụ còn làm tham chánh ở tỉnh Nghệ An. Lúc thiếu thời, cụ đã có nết nghiêm nghị, vì cụ vốn sức yếu, không hay tinh nghịch như các trẻ con khác, ông bạn thân sinh cụ là Oai quận công thấy thế liền đem về nhà mình để cùng các con làm bạn sách đèn, theo đòi học tập. Đến năm 20 tuổi (1745) Cụ vào được tam trường.
Buổi ấy lại gặp thời loạn, cụ bèn bỏ việc học cử nghiệp, dò tìm các sách binh thư, nhâm cầm độn toán rồi chen chân vào áng binh đao. Vào yết kiến ông Hải tướng quân (?) ông cho làm quân sư đi đánh giặc. Đương lăn lộn trong chốn binh trường, cụ đột nhiên được tin người anh thứ 5 cho hay rằng thân mẫu cụ từ trần. Cụ liền tới huyện Hương Sơn, xã Tình Diệm xứ Bầu Thượng là chỗ quê mẹ. Chí vẫn quyết giúp Lê diệt Trịnh, nhưng không gặp thời. Cụ bèn gác việc binh đao làm người ẩn sĩ, làm nhà ở dưới rừng, quyết chí học thuốc, dò tìm các sách, ngày đêm nghiên cứu, lại thường giao du cùng các bậc cao minh, đàm luận về y lý. Bạn thân cụ có Hoa danh y người làng Xuân Bảng, huyên Thanh Chương (Nghê An).
Thường tình thích âm nhạc và chơi diều giấy. Hiện chỗ cụ ở bây giờ vẫn còn dấu tích như là hồ và núi giả để cột diều.
Xứ Bầu Thượng gần núi, nên có khi cụ lên núi ở làm đài dựng cờ gió xem gió và khí trời. Trong nhà, cụ có tưởng tượng vẽ ra một bức chân dung cụ Trương Trọng Cảnh để thờ làm tiên sư...
Thường đi chữa bệnh khắp nơi trong hạt nên đâu đâu cũng đều biết tiếng. Tin đồn đến kinh đô (Hà nôi) nên đến năm Cảnh Hưng thứ 44 (1764) phụng chỉ đi chữa bệnh cho Vương thế tử là Trịnh Cán và chúa Trịnh là Trinh Sâm. Khi đi chữa bệnh ở kinh đô, cụ có làm một pho sách nhan đề “Thượng kinh ký sự” trong chép phần nhiều là các bài thơ ngâm vịnh và xướng hoạ cùng các văn nhân tài tử ở kinh đô.
(Trong báo Nam phong năm 1923-2 ổng Nguyễn Trọng Thuật đã dịch sách ấy).
Cử nhân Lê Xuân Dư cháu 7 đời Hải Thượng Lãn Ông
Viết và đăng trong "Tạp chí y học" do Hội y học (Y học cổ truyền Vinh Trung bộ) số 1, 15-03-1937, tr. 18-21) do Đỗ Tất lợi chép lại bằng máy vi tính ngày 05-11-1997 như sau:
“Vì có công nên Triều đình ban cho áo mũ cho quan tước nhưng cụ vẫn một mực chối từ. Lại trở về vườn cũ ở Hương Sơn mở trường dạy thuốc. Người theo học có hơn 300.
Cụ soạn một bộ sách thuốc cả thảy có 61 cuốn, nhưng trung gian bị thất lạc chỉ còn 30 cuốn. Sau đến người cháu 5 đời là ông Lê Hữu Phú mới tìm thêm được 21 cuốn nữa. Hiện nay còn mất 10 cuốn. Sách của cụ phần nhiều lấy ở sách Tầu Phùng Thị làm phương châm, nhưng cụ sửa đổi lại để cho hợp với bản chất người mình. Các sách hiện đã ấn hành, bản in để ở chùa Đồng Nhân thuộc xã Đại Trắng phủ Từ Sơn huyện Võ Giàng tỉnh Bắc Ninh.
Cụ mất ngày 15 tháng giêng năm Tân Hợi niên hiệu Quang Trung đời Tây Sơn năm thứ tư (1792) thọ được 57 tuổi.
Hiện bây giờ ở làng Yên Trung xứ Bầu Thượng thuộc huyên Hương Sơn tỉnh Hà Tĩnh có nhà thờ và mộ cụ “.
Từ 1970 (lần đầu tiên ở nước ta tổ chức long trọng lễ kỷ niệm 250 ngày sinh và mất của Hải Thượng Lãn Ông) ta vẫn lấy năm sinh và năm mất của Hải Thượng Lãn Ông là 1720-1791, nhưng từ sau báo cáo của Hội thảo về Hải Thượng Lãn Ông ở Hải Hưng năm 1993, thì đã đổi thành năm 1724-1791 (theo tạp chí “Sống vui khoẻ” Bán nguyệt san của Hội Y học cổ truyền TP. Hồ Chí Minh, số 18-1995 tr.12). Tại đây Đỗ Tất Lợi theo bài của cử nhân Lê Xuân Dư đăng trong tạp chí y học số 1-1937 tr.18 là 1725-1792.
Cần lưu ý để điều chỉnh năm sinh và năm mất của Hải Thượng Lãn Ông cho đúng với thực tế, và thống nhất.
Từ lâu ta vẫn lấy năm sinh của Hải Thượng Lãn Ông là 1720 (1), nhưng đối chiếu lại với buổi hội thảo về Hải Thượng Lãn Ông tại Hải Hưng năm 1995 và nhất là bài viết về Hải Thượng Lãn Ông do cử nhân Lê Xuân Dư cháu 7 đời cụ Hải Thượng Lãn Ông viết và đăng trong Y học tạp chí (Đông y) số 1 ra ngày 15-3-1937 tr.18-21, thì Hải Thượng Lãn Ông sinh năm 1725 ở Nghệ An vì khi ấy thân sinh ra Hải Thượng Lãn Ông còn làm tham chánh ở Nghệ An, và mất vào ngày 15 tháng giêng năm Tân Hợi niên hiệu Quang Trung năm thứ tư (1792) thọ được 57 tuổi. Tuy nhiên tác giả viết bài này (Đỗ Tất Lợi) đối chiếu với những lời tựa, lời nói đầu do chính Hải Thượng Lãn Ông khi viết ra trong các tài liệu như “Y huấn cách ngôn” (bản dịch do NXBYH xuất bản năm 1961) Lời tựa quyển đầu, phàm lệ cũng ở quyển đầu Hải Thượng Lãn Ông viết, rồi tính ra thì Hải Thượng Lãn Ông bắt đầu viết bộ sách này vào lúc 45 tuổi. Và nhất là ở mục Y nghiệp thần chương cũng ở quyển đầu chính Hải Thượng viết: “Tôi từ 30 đến 40 tuổi mới biết làm thuốc từ 40 đến 50 mới ít lầm, từ 50 đến 60-70 mới khỏi lầm..” Như vậy có nghĩa là trong quá trình từ lúc viết xong đến trước khi chết, Hải Thượng Lãn Ông còn sửa chữa và bổ sung nhiều lần. Vì nếu đúng như lời Hải Thượng viết ở đây thì một năm trước khi mất Hải Thượng Lãn Ông còn sửa chữa thêm vì Hải Thượng Lãn Ông mất vào ngày 15 tháng giêng năm Tân Hợi (1791) thọ 71 tuổi. Cho nên theo tôi nghĩ mặc dầu cụ Lê Xuân Dư cháu 7 đời của Hài Thượng Lãn Ông, viết theo gia phả, chúng tôi cũng đề nghị xem lại.
Theo Lê Xuân Dư Hải Thượng Lãn Ông chỉ thọ 57 tuổi vậy sao lại có câu do chính Hải Thượng Lãn Ông viết: “đến 60-70 tuổi mới khỏi lầm” này:
“Tôi từ 30 đến 40 tuổi mới biết làm thuốc từ 40 đến 50 mới ít lầm, từ 50 đến 60-70 mới khỏi lầm” (Y huấn cách ngôn tr.58 - Y nghiệp thần chương tr.57-58, bản dịch và in lần đầu năm 1961).
Ghi chú:
(*). Đã đăng trong tạp chí “Tin tức hoạt động khoa học (tháng 12-1970 tr33-37) UB khoa học và kỹ thuật Nhà nước.
(1). Những năm trước đây, theo phong tục cũ, chúng ta thường kỷ niệm vào ngày 15 tháng giêng âm lịch là ngày mất của Hải Thượng Lãn Ông.
Nguyên Liệu Làm Thuốc trích từ nguồn: Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam của GS-TS Đỗ Tất Lợi
Nhận xét
Đăng nhận xét