Rất hiếm các loài hoa nguồn gốc từ Á đông, trở thành một cây hoa chính tại các vườn Hoa Kỳ trong đó có loài hoa đặc biệt Hoa Hiên. Người Trung Hoa đã biết dùng Hoa Hiên làm thuốc và thực phẩm từ hơn 2500 năm trước. Trong Kinh Thi đã có ghi chép: 'Yên đắc Huyên thảo, ngôn thụ chi bối', và hoa Hiên (Huyên) đã được xem là một cây tốt, giúp quên mọi ưu phiền. Có rất nhiều chủng đã được lai tạo để cho những cây hoa có thể cao từ 15 cm đến 2m với rất nhiều màu sắc thay đổi, rực rỡ.. (ngoại trừ màu xanh da trời (blue) và màu trắng tuyền). Hội các nhà trồng hoa Hiên hay American Hemerocallis Society đã hoạt động từ 1946 và hiện nay có đến 275 nhà chuyên trồng và hàng ngàn người yêu hoa làm hội viên với khoảng trên 30 ngàn chủng hoa đủ loại và trong 30 năm qua, hoa Hiên đã làm say lòng khách yêu hoa người Mỹ. Mỗi năm đều có ngày Hội thi để tuyển lựa cây hoa đẹp nhất trong năm: Chủng đoạt giải năm 2002 là chủng lai tạo 'Ming Porcelain', cho hoa màu hồng đào nhạt.
Năm 1753, nhà thực vật Linnaeus đã dùng tên latin Hemerocallis để đặt cho hoa Hiên. Mãi đến thế kỷ 16, Âu châu mới biết đến hoa Hiên của Á châu: năm 1583 Clusius viết về hoa Hiên, xuất hiện tại Hungary và là một cây hoa quý chỉ được trồng tại những lâu đài của giới quý tộc. Henri Lyte là tác giả đầu tiên viết về hoa Hiên tại Anh (1578).
Hemerocallis fulva được trồng tại Philadelphia vào 1812.
Trong văn chương Trung Hoa, hoa Hiên được nhắc nhở nhiều trong bài hát, bài thơ dành cho Khổng Tử, và hoa được Chi Han (304 trước Tây lịch) mô tả như một loại rau; sau đó được ghi trong Thần Nông Bản thảo Kinh như một dược liệu có tính lợi tiểu, trị hoàng đản. Trong Bản thảo Cương Mục, Lý thời Trân ghi nhận rễ cây tán thành bột, được dùng để trị các nhọt nơi vú và đọt non của hoa khi nấu có mùi vị như hành chín, ngoài ra nuớc cốt ép từ rễ hoa được dùng để trị ngộ độc do thạch tín.
Tên khoa học và các tên thường gọi:
Hemerocallis fulva thuộc họ thực vật Hemerocallidacea.
Ngoài ra còn có Hemerocallis citrina; H. minor; H. lilioasphodelus (lemon lilly) và H. middendorf.
(Hemerocallis, từ tiếng Hy lạp = Beautiful for only a day, để chỉ hoa rất chóng tàn, chủng cho hoa nở kéo dái nhất cũng chỉ được 72 giờ)
Những tên thường gọi: Daylilies bao gồm những tên như Orange Daylily, Tawny Daylily, Fulvous Daylily.
Tại Trung Hoa, Hoa Hiên được gọi là Vong thảo (Xuan-cao), Vong ưu, Huyên thảo, Liệu sầu, Kim châm thái (Jin zhen cai), Hoàng hoa thái (Huang-hua-cai)
Tại Nhật: Akinowasuregusa.
Đặc tính thực vật:
Cây hoa Hiên đỏ (H. fulva) (Tawny Daylily, Orange Daylily, Lis rouge) nguồn gốc từ Châu Á, thuộc loại thân thảo đa niên, có thể mọc cao đến 1m, có nhiều rễ củ tròn. Lá nguyên, hình mũi mác hẹp, dài 30-60 cm rộng 3-5 cm, màu xanh bóng nổi rõ gân dọc, mọc tập trung ở gốc, xoè ra thường gập xuống ở phía ngọn. Hoa to hình phễu màu vàng đỏ, không thơm, từ một tán hoa mọc ra 8-9 hoa, phân nhánh, tuy nhiên hoa chỉ nở từng đôi hay chỉ một hoa lẻ.. Quả thuộc loại nang có hình 3 cạnh trong chứa nhiều hạt màu đen bóng.
Cây ra hoa trong các tháng 6-8.
Hemerocallis fulva phân bố rộng rãi, mọc hoang nơi thung lũng, đồi núi, gần những vùng nước, và được trồng phổ biến tại Trung Hoa (ở Sơn Tây, Hồ Nam, Giang Tây, Triết giang, Phúc kiến), Nhật nhưng cây Tawny Daylily này ngày nay còn được trồng nhiều tại Hoa Kỳ, hơn cả tại Trung Hoa! H. fulva được các nhà vườn cho lai tạo thành nhiều chủng rất đẹp:
Hemerocallis citrina: chỉ cao chừng 1.2 m, lá dài đến 1 m và rộng hơn 2.5 cm. Hoa màu vàng, thơm mùi chanh, lớn chừng 12.5 cm, nở về đêm trong các tháng 6-7. Cây mọc phổ biến tại vùng núi và ruộng lúa tại Hồ Bắc, Sơn Tây, Sơn Đông, Giang tô, An huy, Hồ Bắc, Tứ xuyên.
Hemerocallis minor: mọc cao khoàng 45 cm, lá mỏng manh thuôn hẹp khoảng 5cmx1.3cm; Hoa nở vào mùa xuân, màu vàng, thơm, lớn chừng 10 cm. Cây mọc tại vùng đất ẩm, đồi núi, ven rừng, và được trồng hầu như khắp Trung Hoa. Cây cũng mọc tự nhiên tại Nhật, và Đông Siberia
Hemerocallis liliasphodelus (H. flava): cây này thường được gọi là Lemon daylily, Yellow daylily, Lis jaune=Hemerocalle jaune, có nguồn gốc từ Bắc Châu Á, Cây thân cỏ, mọc thành bụi dầy cao chừng 1m. Lá tương đối lớn cỡ 66 cm x 18 cm, màu xanh bóng, mềm, uốn cong ra. Hoa tập trung thành tán (6-9 hoa) nở về đêm, vào mủa xuân, màu vàng tươi dài chừng 10 cm, rất thơm mùi chanh, kéo dài từ 20 đến 76 giờ; cũng được trồng khắp Trung Hoa mọc trong vùng phía Bắc thung lũng Sông Dương tử.
Hem erocallis middendorffi: cao chừng 35 cm, lá mọc vươn cao đến 66 cm. Hoa màu cam, thơm dài chừng 7.5 cm, nở vào cuối xuân; mọc trong vùng núi cao tại Bắc Trung Hoa, Triều tiên, Vùng biên giới Nga và Nhật.
Thành phần hóa học:
- Rễ chứa các alkaloids như Colchicine, Hemerocallin, Friedelin, Obtusifolin..; các hợp chất loại anthraquinones như kwanzoquinones A, B, C, Chrysophanol, Rhein..
Trong cây còn có Asparagine, các vitamin A, B và C; Beta-sitosterol-D- glucoside, Trehalase..; nhiều khoáng chất, lượng cao nhất là sắt.
Ngoài ra còn có các saponines loại steroid: Hemeroside A và B..
Dược tính và công dụng:
Dược học Trung Hoa cổ truyền dùng Hoa và Rễ hoa Hiên làm thuốc. Rễ được thu hoạch trong các tháng 7-9 sau khi cây trổ hoa.
Hoa (nụ hoa phơi khô) được xem là có vị ngọt, tính hàn; tác dụng vào kinh mạch thuộc Phế và Đại tràng.
Hoa được xem là một thuốc 'mát' dùng trị buồn nôn, ói mửa, chống co-giật, giảm sốt, hạ nhiệt, và dùng làm dịu đau khi sanh nở. Hoa cũng có tác dụng làm yên ngũ tạng, tạo khoan khoái trong lòng.
Rễ: có vị đắng, tính hàn tác dụng vào Tỳ và Phế. Rễ hoa Hiên được dùng để trị phù (giữ nước), khó tiểu tiện, nước tiểu đục, vàng da, sưng gan, sưng thận, tiểu ra máu, chảy máu cam phân có máu, xuất huyết tử cung.
Rễ: tươi nấu với thịt heo được dùng làm thuốc giúp gia tăng tế bào máu bồi dưỡng cơ thể khi đang dưỡng bệnh.
Rễ tươi, xay thành bột nhão, dùng để đắp lên nơi sưng ở vú (mastitis).
Lá và Rễ (khô) được sắc với nước vo gạo, làm thuốc trị phù thũng.
Rễ khô (30 gram) sắc chung với Gừng tươi (8-10 lát), dùng với rượu trắng; hay rễ khô (30 g) nấu chung với Mộc nhĩ (10 g) để trị phân có mau.
Để trị vàng da (Hoàng đản), Rễ tươi rửa sạch được nhồi vào bụng gà mái, rồi quay liu riu,trong 3 giờ, ăn môi ngày một lần hay ăn cách nhật.
Đọt non: có vị hơi ngọt, tính mát dùng để giúp lợi tiểu, loại ‘nhiệt thũng’, phá được ứ tắc, đau tức nơi ngực, trị hoàng đản và tiểu ra máu.Liều dùng từ 15-30 =gram đọt tươi.
Những nghiên cứu khoa học về Hoa Hiên:
Dược học Trung Hoa ngày nay, dựa trên các phương thức sử dụng cổ truyền, dùng hoa Hiên để trị sưng, u nhọt nơi vú, đang tập trung nghiên cứu về tác dụng trị u-bướu của các alkaloids trong Rễ hoa Hiên.
Nghiên cứu tại ĐH Michigan, Lansing:
Theo nghiên cứu công bố trên Life Science số 74 ngày 20 tháng 2, 2004 các nhà nghiên cứu tại National Food Safety and Toxicology Center (ĐH Michigan) đã ly trích từ Rễ Hemerocallis fulva các hợp chất loại anthra quinones: nhóm mới như các kwanzoquinones A -> G và những chất đã biết như 2 -hydroxychrysophanol, rhein. Những chất này đã được thử nghiệm về hoạt tính ngăn chặn sự phát triển của các dòng tế bào ung thư nơi người. Kết quả cho thấy: Kwanzoquinones A-C và E, kwanzo quinone A và B monoacetates, 2-hydroxychrysophan và rhein đều ức chế tăng trưởng của tế bào ung thư vú, ruột già và phổi khi dùng ờ nồng độ GI50 giữa 1.8-21.1 microg/mL. Tác dụng của các anthraquinones trên giảm bớt khi dùng chung với các Vitamin C và E, trên tế bào ung thư vú, nhưng lại gia tăng trên tế bào ung thư ruột.
Các nhà nghiên cứu tại Lansing cũng tìm hiểu về hoạt tính chống sưng (kháng viêm) và trị hoàng đản (vàng da) của lá cây hoa Hiên: Lá tươi khi trích bằng methanol cho một số hợp chất có tác dụng ức chế phản ứng peroxyd hóa các lipid. Trong số các chất chiết được như tetrahydro-dexoxy-pinnatanine, pinnatanine, roseoside, phlomuroside, lariciresinol, adenosine, quercetine-glucosides các chất roseoside và lariciresinol có hoạt tính kháng oxy hóa khá mạnh và chống sưng rõ rệt (Life Science số 75-25 tháng 6, 2004).
Tác dụng trên giấc ngủ:
Nghiên cứu tại Nhật trên Hoa (làm khô và đông lạnh), dùng chuột thử nghiệm ghi nhận có sự thay đổi trong các làn sóng giấc ngủ chậm, gia tăng trong giai-đoạn tối, so với nhóm đối chứng (Psychiatry Clinical Neuroscience Số 52-1998)
Hoạt tính kháng sinh:
Một số nghiên cứu về tác dụng kháng sinh của rễ H. citrina được thử nghiệm tại các bệnh viện Trung Hoa, chú trọng về khả năng trị lao phổi nhưng độc tính cao của rễ khiến việc sử dụng gặp nhiều trở ngại.
Hoa Hiên dùng làm thực phẩm:
Tại Trung Hoa, Hoa hiên loại Hemerocallis citrina được dùng làm rau dưới các tên gọi Hoàng hoa thái (Huang-hua cai), Kim châm thái (Jin zhen cai) hay Mông xuân thảo (meng xuan cao).. Chỉ nụ hoa hay hoa vừa nở có thể ăn được, còn rễ không ăn được vì có độc tính. Cánh hoa có thể dùng trang trí cho món ăn hay ăn chung với các rau khác trong dĩa salad.
Cải kim châm (nụ hoa) là một trong những món ăn 'đặc biệt' tại các Nhà hàng Trung Hoa, do tính nhày và vị ngọt. Kim châm có thể phơi khô và được bán tại các Chợ Thực phẩm Á đông chung với Nấm mộc nhĩ. Kim châm khô có thể tồn trữ lâu dái, khi sử dụng cần ngâm trong nước ấm chừng 30 phút.
(Nên chú ý, kim châm khô bán trong gói có thể gồm cả nụ hoa của Lilium tigrinum=Tiger Iily), vị không ngọt bằng Hemerocallis nhưng có thể đòn và dai hơn. Ngoài ra, kim châm Nhật, làm từ nụ hoa Funkia ovata (Japanese daylily), có mùi thơm hơn.)
Nụ hoa và đọt cây non có vị tương tự như sự phối hợp giữa măng asparagus, nấm và đậu green bean. Nên hái nụ hoa một ngày trước khi hoa nở, và ăn ngay trong ngày. Có thể giữ đông lạnh bằng cách nhúng nhanh vào nước ấm trong 3 phút, rồi làm lạnh nhanh.
Nên chú ý: tuy nụ hoa có thể dùng làm thực phẩm nhưng rễ được xem là độc và không nên ăn. Liều cao gây ra mất kiểm soát tiểu tiện, ngưng thở, nở đồng tử mắt và có thể mù. Trung dược cổ truyền cấm dùng quá 30 gram rễ khô một lần vì gây hư mắt.
Tài liệu sử dụng:
- Herbal Emissaries (Steven Foster & Yue ChongXi).
- The Oregonian (Home and Garden May 21,1998).
- Garden Showcase (July 2002).
- Medicinal Plants of China (James Duke & Edward Ayensu).
Bài viết trích từ nguồn: Tự Điển Thảo Mộc Dược Học - DS. Trần Việt Hưng
Xem thêm: THÔNG TIỂU TIỆN VÀ THÔNG MẬT - Hoa Hiên
Nhận xét
Đăng nhận xét