Kinh nghiệm trong nhân dân cũng như chỉ dẫn của y học dân tộc cho thấy khi ốm đau thường dùng các loại cháo vừa để tiêu hoá với người ốm vừa có tác dụng chữa bệnh. Sau đây là vài loại cháo hay được sử dụng:
- Cháo đậu xanh, sắn dây: Đậu xanh 50g, bột sắn dây 50g, gạo 50g. Lấy gạo đãi sạch nấu với l lít nước, khi gần chín cháo, hạ lửa nhỏ, hoà bột sắn dây với nước cho vào nồi cháo, nấu thêm 5 phút là được. Công dụng: thanh nhiệt, giải độc, tiêu thử lợi thuỷ, ra mồ hôi, đỡ khát nước.
- Cháo đậu nành: đậu nành 50g, gạo 50g, đường hoặc muối vừa đủ tuỳ thích. Hai thứ nấu thành cháo, sau cho đường hoặc muối. Ăn nóng vào sáng và tối hàng ngày. Công dụng: bổ, nhuận táo, dùng cho người bị xơ vữa động mạch, tăng lipit máu, tăng huyết áp, trẻ ho lâu không khỏi.
- Cháo bột ngô: bột ngô 50g, gạo 50g. Dùng nước nguội hoà đều bột ngô. Gạo vo sạch cho vào nồi, nước vừa đủ nấu thành cháo. Khi cháo sôi, cho bột ngô hoà nước vào, đun nhỏ lửa thành cháo loãng. Ăn nóng vào buổi sáng. Công dụng: giảm mỡ, giảm áp, dùng cho người bị xơ mỡ động mạch; mỡ máu cao, nhồi máu cơ tim.
- Cháo cà rốt: dùng 400g cà rốt tươi, rửa sạch, cạo vỏ, sau đó giã hoặc xay nhỏ (hoặc cho 40g bột cà rốt khô). Lấy 300g gạo nấu chín với 1 lít nước thành cháo loãng, khi cháo chín lọc qua vải màn hoặc rây thưa lấy nước cháo. Cho cà rốt vào nước cháo nấu chín, sau nêm chút muối vừa ăn. Cho trẻ ăn nước cháo cà rốt ngay 6-8 bữa, mỗi lần 80g-100g. Nếu trẻ còn bú mẹ thì vấn cho bú bình thường, nhưng ngày đầu cho ăn 80% cháo cà rốt, 20% bú mẹ, ngày thứ hai 60% cháo cà rốt, ngày thứ ba 40%, ngày thứ tư 20% cháo cà rốt. Công dụng: cháo cà rốt trị tiêu chảy cho trẻ nhỏ vì nó bù được lượng nước và điện giải mất đi, đồng thời làm giảm nhu động ruột, hút chất nhầy và độc tố của vi khuẩn. Có thể dùng cho người lớn.
Trích từ nguồn: THUỐC NAM CHỮA BỆNH THÔNG THƯỜNG
(Tác giả: ThS. Phạm Ngọc Quế và BS. Trần Thị Sâm)
Nhận xét
Đăng nhận xét