Tên Việt Nam: Dây Hà Thủ Ô đỏ.
Tên Hán Việt khác: Thủ ô đằng.
Tên gọi:
Tương truyền về đêm dây của 2 cây Hà thủ ô quấn lại với nhau nên gọi là Dạ giao đằng (Dạ: ban đêm, giao: gặp gỡ nhau, đằng: dây leo).
Tên khoa học: Polygonum multiflorum Thunb.
Họ khoa học: Polygonaceae.
Mô tả:
Dây leo bằng thân quấn của cây Hà thủ ô đỏ (Polygonum Multiflorum Thunb), cây sống dai, thân mềm nhẵn, mọc soắn vào nhau. Lá mọc so le, có cuống dài khoảng 2cm, hình tim hẹp hoặc hình mũi tên, đầu thuôn nhọn, có 3-5 gân xuất phát từ gốc lá. Phiến lá dài 5-8cm, rộng 3- 4cm. Bẹ chìa mỏng, ngắn. Rễ phình thành củ màu nâu đỏ, như củ khoai lang (xem thêm: Hà thủ ô).
Phân biệt:
Cần phân biệt với dây Hà thủ ô trắng còn gọi là giây vú bò, sừng bò (xem: Cổ dương đằng).
Địa lý:
Cây mọc hoang ở vùng núi cao, nhiều nhất ở các tỉnh Lai Châu, Sơn La, Hoàng Liên Sơn. Cây được trồng bằng dây hay hạt, có nơi trồng ở đất đồi trung du, cây phát triển tốt.
Thu hái, sơ chế: Chặt về phơi khô, cất dùng.
Phần dùng làm thuốc: Thân dây.
Tính vị: Vị ngọt, tính bình.
Tác dụng: An thần, chỉ hãn, trừ phong thấp, thư cân lạc.
Chủ trị: Trị mất ngủ, ra nhiều mồ hôi, thiếu máu, đau nhức toàn thân.
Liều lượng:
Uống mỗi lần 9 – 15g, sắc hoặc tán bột cho vào hoàn tán. Trị lở ngứa ở ngoài da sắc nước rửa nơi đó.
Đơn thuốc kinh nghiệm:
+ Trị mất ngủ nóng nảy bồn chồn trong người, hay mơ mộng khi ngủ: Hà thủ ô đằng, Đơn sâm, mỗi thứ 3 chỉ, Trân châu mẫu 1 lượng. Sắc uống (Kinh Nghiệm Dân Gian)
+ Trị thiếu máu, đau nhức toàn thân, suy nhược toàn thân, an thần: Dạ giao đằng (Thủ ô đằng) 2 lượng khô, sắc uống (Kinh Nghiệm Dân Gian).
Trích nguồn: SỔ TAY CÂY THUỐC VÀ VỊ THUỐC ĐÔNG Y
Do Lê Đình Sáng - Trường Đại học Y Khoa Hà Nội sưu tầm
Xem thêm: THUỐC BỔ, THUỐC BỒI DƯỠNG - Hà Thủ Ô
Nhận xét
Đăng nhận xét