Xuất xứ: Bản Thảo Kinh Tập Chú.
Tên khác:
Đào hạch nhân (bản Kinh), Thoát hạch nhân, Thoát hạch anh nhi (Hòa Hán Dược khảo), Đào nhân nô, Đào nhân hạch, Đơn đào nhân (Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển).
Tên khoa học: Prunus persica Stokes (Persica vulgaris Mill.).
Họ khoa học: Thuộc họ Hoa Hồng (Rosaceae).
Mô tả:
Cây nhỏ, cao 3-4m, thân nhẵn, thường có chất nhầy đùn ra gọi là nhựa đào. Lá đơn, thuôn dài có cuống ngắn, mọc so le, phiến lá dài 5 - 8cm, rộng 1 - 1,5cnl, mép lá có răng cưa nhọn, khi vò có mùi Hạnh nhân. Hoa đơn độc, màu hồng nhạt, 5 cánh, nhiều nhụy, quả hạch hình cầu, đầu nhọn có một ngấn lõm vào chạy dọc theo quả, vỏ ngoài có lông rất mịn. Lúc non màu xanh nhạt, khi chín lốm đốm đốm.
Địa lý:
Cây mọc hoang và được trồng ở nhiều nơi, nhất là Lạng Sơn, Sapa, Nghĩa lộ miền Bắc Việt Nam. Trồng hạt vào mùa Xuân.
Thu hái sơ chế: Hạt thu hoạch vào mùa thu, đập vỡ vỏ lấy nhân gọi là Đào nhân. Phơi khô. Láthu hái quanh năm, dùng tươi.
+ Hễ dùng Đào nhân, muốn có tác dụng hành huyết thì phải để nguyên cả vỏ lẫn đầu nhọn, muốn có tác dụng nhuận táo, hoạt huyết thì ngâm nước sôi rồi bóc vỏ ngoài bỏ đi, bỏ luôn nhớt rồi sao vàng hoặc sao với cám, hoặc đốt tồn tính, tùy theo từng phương thuốc, những nhân nào 2 hạt có độc.
Phần dùng làm thuốc: Hạt (Persicae Semen), Hoa (Persicae Flos), nước cất hạt Đào (Persicae aqua).
Mô tả dược liệu: Đào nhân hình bầu dục, một đầu nhọn, hẹp, không đều. Giống và dễ lầm với Hạnh nhân nhưng rộng và dẹt hơn. Vỏ hạt mỏng nguyên không nứt nẻ, màu nâu, đỏ, có nhiều đường nhăn dọc, nhân hạt màu trắng ngà, có nhiều dầu là tốt. Thứ vỡ nát, mọt, đen là kém chất lượng. không dùng.
Bào chế:
Đào nhân chia làm 2 loại.
- Một loại còn nguyên vỏ và đầu nhọn, khi dùng giã dập. Một loại đã bóc vỏ và bỏ đầu nhọn di, khi dùng giã dập.
Bảo quản:
Đào nhân khó bảo quản, rất dễ sâu mọt. Để nơi khô ráo, đậy trong lọ kín có lót vôi sống. Nên thường xuyên kiểm tra vì dễ có mọt..
Thành phần hóa học:
+ Trong Đào nhân có những chất chính sau: Amygdalin, Emulsin, Oleic acid, Linoleic acid, Glucosid khổ Hạnh nhân, Men khổ Hạnh nhân, Men đường Lactate, Vitamin B1, tinh dầu và dầu Lipid (Trung Dược Học).
+ Amydalin, 24-Mrthylene Cycloartanol, Citrostadienol, 7-Dehydroavenasterol, Prunasin, Campesterol, b-Sitosterol-3-O-b-D-Glucopyranoside, Campesterol-3-O-b-D- Glucopyranoside, b-Sitosterol-3-O-b-D-(6-O-Palmityl) Glucoyranoside, b-Sitosterol-3-O-b- D-(6-O-oleyl) glycopyranoside, Methyl-a-D-Fructofuranoside, Methyl-b-D-Glucopyranoside, Trytophan, Glucose, Sucrose (Morisige H và cộng sự, Sinh Dược Học Tạp Chí [Nhật Bản] 1983, 37 (1): 46).
+ Chlorogenic acid, 3-caffeoxyquinic acid, 3-p-coumaroylquinic acid, 3-feruloylquinic acid Holler B và cộng sự, Phytochemistry 1983, 22 (2): 477).
+ Oleic acid, Lineleic acid (Farines M và cộng sự, C A 1986, 105: 75926b).
Tác dụng dược lý:
+ Tác dụng đối với huyết mạch: cồn chiết xuất Đào nhân có tác dụng chống đông máu yếu, giãn mạch, tăng lưu luợng máu, tăng mức cAMP trong tiểu cầu, ức chế máu ngưng tụ, co tử cung, cầm máu đối với sản phụ sinh con so (Trung Dược Học).
+ Do thành phần dầu lipid của Đào nhân chiếm đến 45% vì vậy Đào nhân có tác dụng nhuận trường (Trung Dược Học).
+ Nước sắc Đào nhân có tác dụng kháng viêm ở giai đoạn đầu đối với súc vật thực nghiệm (Trung Dược Học).
+ Nước sắc Đào nhân có tác dụng giảm ho (Trung Dược Học).
+ Glucosid Khổ hạnh nhân có tác dụng ức chế tế bào ung thư có chọn lọc (Trung Dược Học).
Tính vị:
+ Vị đắng, tính bình (Bản Kinh).
+ Vị ngọt, không độc (Biệt Lục).
+ Vị đắng, ngọt, tính bình (Trung Dược Học).
+ Vị cay, ngọt, tính bình (Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).
Quy Kinh:
+ Vào kinh thủ Quyết âm Tâm bào, túc quyết âm Can (Thang Dịch Bản Thảo).
+ Vào kinh thủ Thái âm Phế, thủ Thiếu âm Tâm, túc Thái âm Tỳ (Bản Thảo Kinh Giải).
+ Vào kinh Can, Đại trường (Lôi Công Bào Chế Dược Tính Giải).
+ Vào kinh Tâm, Can, Tiểu trường (Trung Dược Học).
+ Vào 2 kinh Tâm và Can (Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).
Tác dụng:
+ Khu huyết ứ, sát trùng, tiêu trưng (Bản Kinh).
+ Tả huyết nhiệt, nhuận trường táo, phá súc huyết, trục nguyệt thủy, thư kinh, hành huyết, hoạt huyết (Dược Phẩm Hóa nghĩa).
+ Phá huyết, hành ứ, nhuận táo, thông tiện (Trung Dược Học).
+ Phá huyết, hành ứ, nhuận táo, hoạt trường (Trung Dược Đại Từ Điển).
+ Hoạt huyết, khứ ứ, nhuận táo, hoạt trường (Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).
Chủ trị:
+ Trị kinh bế, trưng hà, nhiệt bệnh, súc huyết, phong tý, sốt rét, té ngã tổn thương, ứ huyết sưng đau, huyết táo, táo bón (Trung Dược Đại Từ Điển).
+ Trị bế kinh, thống kinh, sau khi sinh sảøn dịch ra không dứt, bụng dưới căng đau, chấn thương do té ngã, bị đánh đập, đinh nhọt sưng tấy, táo bón nơi người lớn tuổi và sau khi sinh (Đông Dược Học Thiết Yếu).
Cách dùng:
+ Dùng sống đề trị bế kinh, có hòn có cục trong bụng, bụng dưới đầy, đau do té ngã ứ huyết.
+ Dùng chín trong trường hợp hoạt huyết đại tiện khó do huyết táo. Liều lượng: 4 – 16g.
Kiêng kỵ:
+ Chứng huyết táo, hư, dùng phải cẩn thận (Y Học Nhập Môn).
+ Phụ nữ có thai, đàn bà không có ứ trệ: cấm dùng (Trung Dược Đại Từ Điển).
+ Hương phụ làm sứ càng tốt (Bản Thảo Cương Mục).
+ Các chứng kinh bế do huyết kết mà không do ứ trệ, Sinh xong bụng đau do huyết hư không phải do ngưng kết thành khối, táo bón do tân dịch bất túc chứ không phải do huyết táo gây nên bí kết: không dùng (Bản Thảo Kinh Sơ).
Đơn thuốc kinh nghiệm:
+ Trị tim đau đột ngột: Đào nhân 7 hạt bỏ vỏ và đầu nhọn, nghiền, sắc với 1 chén nước, uống (Trửu Hậu Phương).
+Trị đàn bà ngứa âm hộ: Đào n.hân, giã nát bọc vải mỏng đắp vào nơi đau (Trửu Hậu Phương)
+ Trị hạ bộ lở ngứa, lưỡi trắng, thích ngủ, hốt hoảng, không biết nơi đau ngứa, hoặc hạ ly, đó là vì ở hạ bộ sinh trùng ăn hậu môn vậy: Đào nhân 15 hạt, 2 chén giấm, 1 chén muối, sắc còn 1 chén uống (Trửu Hậu Phương).
+ Trị sản hậu cơ thể nóng như lửa, nổi da gà: Đào nhân, nghiền nát như bùn, trộn với mỡ heo, bôi hàng ngày (Thiên Kim Phương).
+ Trị đới hạ, rong kinh không dứt: Hạnh nhân đốt tồn tính, tán bột, uống với rượu, mỗi lần 8g, ngày 3 lần (Thiên Kim Phương).
+ Trị trẻ nhỏ thối tai: Đào nhân sao, tán bột, quấn trong vài thưa, nhét vào trong tai hàng ngày (Thiên Kim Phương).
+ Trừ phong, làm cho da thịt quang nhuận: Đào nhân 5 chén, bỏ vỏ, dùng nước cơm gạo nếp nghiền vắt lấy nước, chưng nóng, dùng để rửa mặt rất tốt (Thiên Kim Phương).
+ Trị người hoang tưởng, thích quỉ mị: Đào nhân rang bỏ vỏ, đầu nhọn, 21 hạt, sắc uống với nước Đồng tiện (Thiên Kim Phương).
+ Trị liệt nửa người: Đào nhân 2.700 hạt, bỏ vỏ và đầu nhọn, hạt nào nhân đôi thì không dùng, lấy một đấu ba thăng rượu ngon, ngâm 21 ngày rồi lấy ra phơi, quết nát làm viên bằng hạt ngô đồng lớn, mỗi lần uống 20 viên với rượu (Ngoại Đài Bí Yếu).
+ Trị nóng trong xương, cơ thể sốt: Đào nhân 120 hạt, bỏ vỏ, bỏ đầu nhọn và hạt nhân đôi, nghiền nát, làm thành viên. Sáng sớm múc nước giếng gọi là Tinh hoa thủy để uống, uống thuốc với rượu cho say. Cứ cách một ngày uống một lần, cữ ăn thịt trong vòng 100 ngày (Ngoại Đài Bí Yếu).
+ Trị đàn ông vùng âm bộ sưng, ngứa: Đào nhân sao thơm, tán bột, uống với rượu, mỗi lần 8g, ngày 2 lần, nhưng cũng nên giã nát xức vào đó. Cũng có thể trị trẻ nhỏ bìu đái sưng đau (Ngoại Đài Bí Yếu).
+ Trị phong lao, sưng độc; co rút, sưng đau hoặc đau lan tới bụng dưới hoặc thắt lưng: Đào nhân 1 thăng bỏ vỏ và nhớt, rang cho ra khói đen, rồi nghiền nát như cao, lấy 3 thăng rượu trộn đều, uống nóng cho ra mồ hôi, dùng không quá 3 lần là khỏi bệnh (Thực Y Tâm Kính).
+ Trị sốt rét: Đào nhân 100 hạt bỏ vỏ lẫn đầu nhọn, cho vào tô sữa nghiền nát thành cao, (không được cho nước lạnh vào) rồi cho 12g Hoàng đơn vào, làm thành viên to bằng hạt ngô đồng lớn, mỗi lần uống 3 viên với nước nóng, mặt hướng về phía bắc trước khi lên cơn (Bảøn Sự phương).
+ Trị tim đau do quỷ chú: Đào nhân 1 chén, nghiền nát, sắc uống (Cấp Cứu phương).
+ Trị các loại bệnh sau khi sản hậu, 'Thiên Kim Đào Nhân Tiên Phương‘ trị các loại khí của tất cả các bệnh đàn bà sau khi sinh: Đào nhân 1.200 hạt bỏ vỏ, đầu nhọn và hạt nhân đôi, rang, giã nát, thêm một đấu rưỡi rượu, nghiền như cháo gạo, bỏ vào trong bình sứ nhỏ, nấu cách thủy 1 giờ, mỗi lần uống 1 muỗng canh với rượu nóng (Bản Thảo Đồ Kinh).
+ Trị sản hậu huyết bế: Đào nhân 20 hạt, bỏ vỏ và đầu nhọn, thêm vào một đoạn Ngó sen (Liên ngẫu), sắc uống (Đường Dao Kinh Nghiệm Phương).
+ Trị trẻ nhỏ mới bị lở loét, sưng bỏng như bỏng lửa: Đào nhân nghiền nát, đắp vào (Tử Mẫu Bí Lục).
+ Trị răng nhức, răng sâu: lấy kim châm vào hạt Đào nhân rồi đốt trên đèn cho ra khói, xong thổi tắt đi, nhét vào nơi răng đau, rồi ngậm lại, không quá 6 ngày là khỏi (Vệ Sinh Gia Bảo).
+ Trị môi khô, môi nứt, môi đau: Đào nhân giã nát, trộn với mỡ heo xức vào (Hải Thượng Phương).
+ Trị táo bón: Đào nhân 120g, bỏ vỏ, Ngô thù du 80g, muối ăn 40g, sao chín rồi bỏ muối và Thù du đi, mỗi lần nhai 5-7 hạt Đào nhân (Thánh Tế Tổng Lục).
+ Trị ho lao, bứt rứt: Đào nhân 120g bỏ vỏ và đầu nhọn, gan heo l cái, 5 thăng nước Đồng tiện, tất cả nấu khô hết nước, bỏ vào cối gỗ giã nát, nấu bánh làm viên bằng hạt ngô đồng, mỗi lần uống 30 viên với nước nóng (Thánh Huệ phương).
+ Trị ăn uống kém vì suy nhược do lạnh, (lãnh lao), dần dần ốm yếu, da đen xám: Đào nhân 500 hạt, Ngô thù du 120g, tất cả cho vào trong chảo rang bằng than đỏ rồi đem Đào nhân bỏ vỏ thì nó đã hơi vàng, phải thêm lửa, đợi cho có hơl khói ra, thừa lúc còn nóng bỏ vào trong bình, lấy giấy dày bịt kín lại, đừng cho không khí lọt vào, hàng ngày uống lúc đói. Chọn Đào nhân 20 hạt bỏ vỏ, nhai nhỏ, với rượu nóng, uống hết 500 hạt là đỡ (Thánh Huệ phương).
+ Phòng ngừa sơn lam chướng khí, dịch khí: Đào nhân 640g, Ngô thù du, Thanh diêm mỗi thứ 160g, đem sao cho chín, bỏ vào bình, đậy kín 7 ngày lấy ra, bỏ muối và Ngô thù du, đem Đào nhân bỏ vỏ và đầu nhọn đi, mỗi lần nhai 10 - 20 hạt. Những người đi rừng núi rất cần (Toàn Cư Sĩ Tuyển Kỳ phương).
+ Trị sản hậu huyết ứ, bụng đau: Đương quy 12g, Xuyên khung 6g, Đào nhân 12g, Gừng lùi 6g, Cam thảo 4g. Sắc uống với nước tiểu trẻ nhỏ hoặc rượu nóng (Sinh Hóa Thang – Phó Thanh Chủ Nữ Khoa).
+ Trị ho nghịch lên, suyễn làm tức ngực: Đào nhân 120g bỏ vỏ và đầu nhọn, dùng l tô nước lớn nghiền lấy nước, trộn với hai chén nước cơm, nấu cháo ăn (Thực Y Tâm Kính).
+ Trị ho đột ngột: Đào nhân 3 thăng, bỏ vỏ, giã nát, bỏ trong nồi bịt, kín nấu chín rồỉ phơi khô, gói vào túi vải, ngâm trong 2 đấu rượu 7 ngày, mỗi ngày uống 4 - 5 chén nhỏ (Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển).
+ Trị ho lao, khí huyết không thông, ngày càng ốm yếu: Đào nhân 40g, bỏ vỏ và đầu nhọn, giã nát, sắc với 1 thăng nước rồi bỏ gạo vào nấu cháo ăn lúc bụng đói (Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển).
+ Trị sản hậu âm hộ sưng đau: Đào nhân đốt, nghiền nát, bôi (Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển).
+ Trị sản hậu ứ huyết, kết khối sinh đau nhức, đàn bà khỏe mạnh mà kinh nguyệt bế tắc: dùng Đào nhân, Đương quy, Thược dược, Trạch lan, Diên hồ sách, Tô mộc, Ngũ linh chi, Hồng hoa, Ngưu tất, Sinh đia, Ích mẫu thảo (Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển).
+ Trị đại trường huyết táo gây nên táo bón: Đào nhân, Đương quy, Ma nhân, Đia hoàng, Mạch môn đông, Thược dược, Hoàng cầm, Nhục thung dung, Cam thảo (Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển).
+ Trị nội thương ở vùng bụng trên làm ứ huyết sinh đau: Đào nhân, Thiên giáng hương, Xuyên thông thảo, Sơn tra, Xuyên sơn giáp, Nhũ hương, Một dược, Hồng hoa, Tục đoạn, Đương quy (Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển).
+ Trị kinh bế do huyết ứ: Đào nhân 12g, Hồng hoa 4-20g, Tam lăng 8g, Đương quy 12g. Sắc uống (Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).
+ Trị tổn thương do té ngã, bị đánh đập: Đào nhân 12g, Giá trùng 6g, Kinh giới 12g, Đại hoàng 12g, Xuyên khung 6g, Đương quy 12g, Quế tâm 6g, Cam thảo 4g, Bồ hoàng 8g. Sắc uống với Đồng tiện (Đào Nhân Thang - Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).
+ Trị táo bón do tân dịch khô: Hạnh nhân, Đào nhân, Hỏa ma nhân, Đương quy mỗi thứ 12g, Sinh địa 16g, Chỉ xác 12g. Tán bột, viên với mật ong, mỗi lần uống 8g, ngày 2 lần (Nhuận Trường Hoàn - Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).
+ Trị động mạch viêm tắc: Đào nhân, Hồng hoa, Đương quy, Đan sâm, Xuyên khung, Xích thược, Ngưu tất, Kim ngân hoa, Huyền sâm đều 10g, Địa miết trùng, Tam lăng, Nga truật đều 6g, Địa long 10g, Thủy điệt, Manh trùng, Cam thảo [sống] đều 3g. Sắc uống (Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).
Tham Khảo:
Cây Đào còn cho các vị thuốc sau:
a- Vỏ trắng của rễ (Đào căn bạch bì) có vị đắng, tính bình. Có tác dụng hoạt huyết, tán ứ, tiêu viêm, sát trùng. Dùng để trị tổn thương do bị té ngã, bị đánh, gãy xương, đau do ứ huyết ngoại thương, thắt lưng đau, đinh nhọt. Bên trong sắc uống 12-20g, bên ngoài giã nát đắp nơi đau.
b - Nhánh non cây đào (Đào thụ tiêm) kết hợp với rễ cây Dã miên hoa, nhánh non của cây Liễu trị sốt rét.
c- Lá Đào (Đào diệp), sắc, rửa để trị eczema, trĩ lở ngứa. Lá tươi giã nát đắp ngoài trị mụn cóc, đinh nhọt, ghẻ lở.
d - Hoa Đào (Đào hoa) có tác dụng lợi tiểu, tiêu thủng, thông tiện. Có thể trị các chứng phù thũng, cổ trướng, tiểu bí, táo bón. Sắc 6 - 8g hoặc tán bột uống, mỗi lần 2g, ngày 2 - 3 lần.
e- Đào nhân là thuốc vào kinh can, vào phần huyết, cũng là vị thuốc thường dùng để hành huyết, khứ ứ (Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển).
+ Bế kinh do ứ huyết tích trệ, đau ứ do chấn thương, đau gò cục, ứ trệ sau khi sinh, cho đến các trường hợp không co duỗi được, liên hệ với huyết bị trở trệ thì Đào nhân là thuốc để trị chính những chứng ấy. Ngoài tác dụng hành huyết Đào nhân lại có thể nhuận trường, thông tiện giống như Hạnh nhân. Lý Đông Viên cho rằng Hạnh nhân trị ở phần khí, còn Đào nhân trị ở phần huyết, thực ra cả 2 vị mỗi một cái dùng giống nhau, thuộc khí hay thuộc huyết không phải là vấn đề then chốt. Dùng một mình dược lực cũng có hạng, phần nhiều cùng kết hợp với các thuốc nhuận táo tư âm, thích hợp dùng trong chứng bón do âm hư tân dịch ở ruột khô táo (Trung Dược Học Giảng Nghĩa).
+ Hồng hoa là hoa, chất nhẹ đi lên, làm tan được các chỗ ứ huyết lúc tan lúc tụ ở kinh lạc. Đào nhân là hạt, chất nặng, di xuống, tiêu được ứ huyết ở tại chỗ tổn thương (Đông Dược Học Thiết Yếu).
+ Đào gặp được mùa xuân, khí rất đậm, vào được phần huyết để biến ứ huyết hoại tử thành huyết mới. Thuốc trị về huyết đa số thuộc mầu đỏ, mà Đào nhân thì mầu trắng. Những vị thuốc phá huyết khác công phạt nhanh và mạnh còn Đào nhân thì hòa hoãn, lại thuần, dụng liều ít thì chỉ có thể hoạt huyết, hành huyết, dùng lượng nhiều thì có thể phá ứ, trục ứ (Đông Dược Học Thiết Yếu).
Trích nguồn: SỔ TAY CÂY THUỐC VÀ VỊ THUỐC ĐÔNG Y
Do Lê Đình Sáng - Trường Đại học Y Khoa Hà Nội sưu tầm
Xem thêm: Mỗi năm HOA ĐÀO nở...
Nhận xét
Đăng nhận xét