Chuyển đến nội dung chính

SỔ TAY CÂY THUỐC VÀ VỊ THUỐC ĐÔNG Y - ĐƠN BÌ

SỔ TAY CÂY THUỐC VÀ VỊ THUỐC ĐÔNG Y - ĐƠN BÌ

Xuất xứ: Bản Thảo Chứng.

Tên khác:

Thử cô, Lộc cửu (Bản Kinh), Bách lượng kim (Đường Bản Thảo), Mộc thược dược, Hoa cương, Mẫu đơn căn bì (Bản Thảo Cương Mục), Mẫu đơn bì (Trân Châu Nang), Hoa tướng, Huyết quỷ (Hòa Hán Dược Khảo), Đơn căn (Quán Châu Dược Vật).

Tên khoa học: Cortex Moutan, Cortex Paeoniae Suffuticosae.

Họ khoa học: Thuộc họ Mao Lương (Ranunculaceae).

Mô tả:

Đơn bì hoặc Mẫu đơn bì lqf vỏ rễ của cây Paeonia moutan Sims, Paeonia arborea Donn. Đó là cây thân gỗ sống lâu năm. Có thể cao 1-2m, rễ phát triển thành củ. Lá mọc cách, thường chia thành 3 lá chét, lá chét giữa lại chia thành 3 thùy, mặt trên màu lục, mặt dưới có lông, màu trắng nhạt. Hoa mọc đơn độc ở đầu cành rất to. Tràng 5 - 6 hay nhiều hơn tùy theo kỹ thuật trồng hay giống chọn lựa, màu đỏ tím hoặc trắng.

Địa lý:

Cây nguồn gốc Trung Quốc, hiện nay Việt Nam đã di thực vào ở những nơi có khí hậu cao mát ở các tỉnh phía Bắc miền núi như Lào Cai, Sa Pa trước đây mỗi dịp gần Tết, Việt Nam nhập làm cây cảnh vì hoa nở vào dịp Tết, hoa đẹp. Mẫu đơn là cây thích nhiều ánh sáng, cây không sống được trong điều kiện râm mát. Cây ưa trồng trên đất sườn dốc, lớp đất dày, tiêu thoát nước tốt, hoặc đất cát pha nhiều màu, trồng trên đất nặng rễ cây nhỏ, chia ra nhiều nhánh, rễ lại hay bị thối; trồng trên đất cát đen thì rễ to nhưng vỏ lại mỏng. Mẫu đơn thích trồng trên đất mới khai hoang, rất sợ liên canh vì cây dễ sinh ra nhiều sâu bệnh hại, sản lượng và chất lượng đều thấp.

Thu hái, sơ chế:

Mẫu đơn sau khi trồng được 3 năm thì thu hoạch. Khoảng tháng 7-11. Thu hoạch Mẫu đơn vào mùa thu năng suất cao hơn mùa hè từ 10-15% và có chất lượng tốt hơn.

Khi thu hoạch, thưởng dùng một cái cào 2 răng, răng cào dài 30-50cm, to bằng ngón trỏ, với khoảng cách của răng 10- 12cm. Khi cuốc nhìn vào các khe đất nứt chung quanh gốc cây mà cuốc, cuốc bới dần cho đến khi bới lấy được hết rễ, cẩn thận không để rễ bị xây xát. Trung bình mỗi mẫu thường thu hoạch được từ 1000-1500kg rễ tươi.

Sau khi thu hoạch, cắt hết rễ tơ, rửa sạch đất cát, dùng mảnh tre hoặc mảnh thủy tinh cạo sạch lớp vỏ ngoài, nếu gặp trời mưa, thì không cạo vỏ và không rút ruột rễ vội sợ ảnh hưởng đến chất lượng dược liệu. Trong quá trình phơi nắng, tối phải mang vào, không nên xếp thành đống vì làm vậy rễ có vị chua, màu đen, có chất dầu làm giảm chất lượng.

Phần dùng làm thuốc:

Vỏ rễ (Cortex Mutan). Vỏ sắc đen nâu, thịt trắng, nhiều bột. Vỏ dày, rộng, không dính lõi, mùi thơm là tốt.

Mô tả dược liệu:

Vỏ rễ khô hình ống hoặc hình nửa ống. Một cạnh thường có vết nứt dọc, hai mép cuộn cong vào trong, dài ngắn không nhất định, dày khoảng 0,3cm. Mặt ngoài màu nâu tro hoặc nâu tía, có vân dọc, có vết sẹo ngang hình tròn dài, hơi lồi, có vết cắt của rễ tơ. Mặt trong màu nâu hoặc mầu vàng tro nhạt, có vân sọc nhỏ, có nhiều chấm ánh bạc (tinh thể). Chất cứng giòn, dễ bẻ gẫy, mặt gẫy tương đối phẳng, có bột. Lớp ngoài mầu nâu tro hoặc mầu phấn hồng, lớp trong mầu phấn trắng. Mùi thơm đặc biệt, vị hơi đắng, chát, hơi tê lưỡi (Dược Tài Học).

Bào chế:

+ Rửa sạch, dùng dao con rạch một đường theo chiều dọc của rễ, bóc lấy vỏ bỏ lõi, cắt thành đoạn dài 13 - 17cm ngâm vào nước sạch từ 10 - 15 phút, vớt ra sấy khô. Có thể không cạo bỏ vỏ ngoài, chỉ bỏ lõi, khi dùng tẩm nước ủ mềm, xắt lát, phơi khô dùng, có khi tẩm rượu sao qua,hoặc sao cháy tùy đơn thuốc (Trung Dược Đại Từ Điển).

+ Mua về rửa sạch bụi bặm, ủ mềm một đêm, nếu còn lõi thì bỏ đi. Bào lát mỏng phơi trong râm mát. Có thể tẩm rượu, sao cháy tùy theo đơn.

Bảo quản:

Vỏ rễ giòn, dễ dập nát, phải đóng vào thùng gỗ hoặc sọt tre cứng, chống ẩm vì dễ bị sâu mọt phá hoại.

Thành phần hóa học:

+ Paeoniflorin, Oxypaeonilorin, Benzoylpaeonilorin, Paeonol, Paeonolide, Paeonoside, Apiopaeonoside (Vu Tân, Dược Học Học Báo 1985, 20 (10): 782).

+ Benzoyloxypaeonilorin (Bắc Xuyên Huân, Sinh Dược Học Tạp Chí [Nhật Bản] 1979, 33 (3): 171).

+ 2, 3-Dihydroxy-4-Methoxyacetophenone, 3-Hydroxy-4-Methoxya cetophenone (Lin Hang Ching và cộng sự, C A 1991, 115: 99062z).

+ 6-Pentagalloylglucose (Takechi M và cộng sự, Planta Med 1982, 45 (4): 252).

Tác dụng dược lý:

+ Tác dụng kháng viêm: do chất Phenol Đơn bì (Trung Dược Học).

+ Các Glucosid khác của Đơn bì có tác dụng kháng viêm mạnh hơn (Trung Dược Học).

+ In vitro, nước sắc Đơn bì có tác dụng kháng khuẩn mạnh đối với trực khuẩn thương hàn, tụ cầu khuẩn vàng, liên cầu khuẩn dung huyết, phế cầu khuẩn, trực khuẩn bạch hầu (Sổ Tay Lâm Sàng Trung Dược).

+ Phenol Đơn bì có tác dụng giảm đau, an thần, chống co giật, giải nhiệt do ức chế trung khu thần kinh (Trung Dược Học).

+ Trên thực nghiệm, Phenol Đơn bì có tác dụng chống gây loét trên chuột bị kích thích, ức chế xuất tiết dạ dầy của chuột (Trung Dược Học).

+ Đơn bì có tác dụng chống chuột nhắt có thái sớm. Phenol Đơn bì làm cho niêm mạc tử cung súc vật xuất huyết, thông kinh (Trung Dược Học).

+ Nước sắc Đơn bì và Phenol Đơn bì đều có tác dụng hạ áp. Nước sắc không có Phenol Đơn bì không có tác dụng hạ áp kéo dài hơn (Trung Dược Học).

Tính vị:

+ Vị cay, tính hàn (Bản Kinh).

+ Vị đắng, hơi hàn, không độc (Biệt Lục).

+ Vị chua, cay, tính hàn (Trấn Nam Bản Thảo).

+ Vị cay, đắng, tính mát (Trung Dược Đại Từ Điển).

+ Vị cay, đắng, tính hơi hàn (Đông Dược Học Thiết Yếu).

Qui kinh:

+ Vào kinh Phế (Lôi Công Bào Chích Luận).

+ Vào kinh thủ Quyết âm Tâm bào, túc Thiếu âm Thận (Trân Châu Nang).

+ Vòa kinh Tâm, Can, Thận (Trung Dược Đại Từ Điển).

+ Vào kinh Tâm, Can, Thận và Tâm bào (Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).

Tác dụng:

+ Hòa huyết, sinh huyết, lương huyết (Bản Thảo Cương Mục).

+ Phá huyết, hành huyết, tiêu trưng hà, trừ nhiệt ở phần huyết (Trấn Nam Bản Thảo).

+ Thanh nhiệt, lương huyết, hòa huyết, tiêu ứ (Trung Dược Đại Từ Điển).

+ Thanh huyết nhiệt, tán ứ huyết (Đông Dược Học Thiết Yếu).

Chủ trị:

+ Trị nhiệt nhập dinh huyết, sốt về chiều, phát ban, can dương vượng lên, kinh nguyệt không đều, đinh nhọt sưng tấy, ứ đau do ngoại thương (Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).

+ Trị nhiệt tà thuộc ôn nhiệt bệnh nhập vào phần dinh, phát ban, kinh giật, thổ huyết, chảy máu cam, tiêu ra máu, tiểu ra máu, kinh bế, trưng hà, trường ung, ung nhọt do ứ huyết đình trệ (Đông Dược Học Thiết Yếu).

Liều dùng: 8 – 20g.

Kiêng kỵ:

+ Ghét Thỏ ty tử (Bản Thảo Kinh Tập Chú).

+ Kỵ Hồ tuy [ngò] (Cổ Kim Lục Nghiệm).

+ Kỵ Tỏi (Nhật Hoa Tử Bản Thảo).

+ Sợ Bối mẫu, Đại hoàng (Đường Bản Thảo).

+ Vị khí hư hàn, tướng hỏa suy: không dùng (Đắc Phối Bản Thảo).

+ Nhiệt ở phần khí, phụ nữ có thai, kinh nguyệt nhiều đều không dùng, Tỳ vị hư hàn cấm dùng (Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).

Đơn thuốc kinh nghiệm:

+ Trị trường ung, ruột dư viêm cấp: Đơn bì, Đại hoàng, Đào nhân, Đông quỳ tử, Mang tiêu (Đại Hoàng Mẫu Đơn Bì Thang – Kim Quỹ Yếu Lược).

+ Trị vùng hạ bộ lở loét, đã hõm một lỗ sâu: Dùng 4g bột Mẫu đơn bì, sắc uống ngày 3 lần (Trửu Hậu Phương).

+ Trị dịch hoàn xệ xuống, căng lên làm cho không cử động được: Mẫu đơn bì, Phòng phong, hai vị bằng nhau, tán bột, mỗi lần uống 8g với rượu (Thiên Kim phương).

+ Trị bị thương do dao chém, huyết rỉ ra: Mẫu đơn bì tán bột, uống chừng 3 nhúm ngón tay với nước là đi tiểu ra huyết (Thiên Kim Phương).

+ Giải các loại ngộ độc trùng thú: dùng Mẫu đơn (rễ) tán thành bột, mỗi lần uống 4g, ngày 3 lần (Ngoại Đài Bí Yếu).

+ Trị phụ nữ bị chứng máu xấu (ác huyết) công lên tụ ở mặt, hay giận dữ: Mẫu đơn bì 20g, Can tất (đốt cho hết khói) 20g, sắc với 2 chén nước còn 1 chén, uống (Chư Chứng Biện Nghi).

+ Trị tổn thương ứ huyết: dùng Mẫu đơn bì 80g, Manh trùng 21 con, sao qua, rồi tán bột, mỗi buổi sáng uống 4g với rượu nóng thì huyết ứ sẽ hóa ra nước tiêu ra ngoài (Trinh Nguyên Quảng Lợi phương).

+ Trị thương hàn nhiệt độc gây nên mụn nhọt to bằng hột đậu: Mẫu đơn bì, Sơn chi tử nhân, Hoàng cầm (bỏ lõi đen), Đại hoàng (sao), Mộc hương, Ma hoàng (bỏ rễ, đốt). Sắc uống (Mẫu Đơn Thang – Thánh Tế Tổng Lục).

+ Trị âm hư, hư nhiệt, bệnh nhiễm thời kỳ phục hồi hoặc bệnh nhiễm sốt kéo dài: Đơn bì 12 – 16g, Thanh hao 8g, Miết giáp 20g, Sinh địa 16g, Tri mẫu 8g, sắc uống (Thanh Hao Miết Giáp Thang – Ôn Bệnh Điều Biện).

+ Trị âm hư huyết nhiệt, phát sốt nửa đêm, nóng trong xương: Đơn bì, Phục linh, Thục địa, Hoài sơn, Trạch tả, Hoàng bá, Tri mẫu (Tri Bá Địa Hoàng Thang - Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).

+ Trị kinh nguyệùt đến sớm, sốt về chiều, có kinh huyết đen kèm có ứ huyết có cục máu, lượng nhiều: Mẫu đơn bì 12g, Thanh hao 12g, Địa cốt bì 12g, Hoàng bá 8g, Thục địa 16g, Bạch thược 12g, Phục linh 12g, sắc uống (Thanh Kinh Thang - Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).

+ Trị huyết ứ, kinh nguyệt bế: Mẫu đơn bì 12g, Nhục quế 2g, Mộc thông 12g, Xích thược 12g, Miết giáp 12g, Đào nhân 12g, Thổ qua căn (Vương qua căn) 12g. Sắc uống (Mẫu Đơn Thang - Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).

+ Trị chấn thương do té ngã, bị đập đánh, ứ huyết đau nhức: Mẫu đơn bì 12g, Đương quy 12g, Cốt toái bổ 12g, Tục đoạn 12g, Nhũ hương 8g, Một dược 8g, Đào nhân 12g, Xuyên khung 6g, Xích thược 12g, Sinh địa 12g. Tán bột hoặc sắc uống (Mẫu Đơn Bì Tán - Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).

+ Trị đinh nhọt: Mẫu đơn bì 20g, Ý dĩ nhãn 40g, Qua lâu nhân 8g, Đào nhân 12 hạt. Sắc uống. (Mẫu Đơn Bì Tán - Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).

+ Trị huyết áp cao, xơ cứng động mạch: Đơn bì 8 – 12g, Cúc hoa 12g, Kim ngân 20g, Kê huyết đằng 20g, Thạch quyết minh 20 – 40g, Bội lan 12g, sắc uống (Đơn Bì Cúc Hoa Thang - Sổ Tay Lâm Sàng Trung Dược).

+ Trị phụ nữ sau khi sinh bị chứng huyết nhiệt: Đơn bì 8g, Chi tử 8g, Đương qui 12g, Thục địa 16g, Bạch thược 12g, Xuyên khung 8g, sắc uống (Đơn Chi Tứ Vật thang - Sổ Tay Lâm Sàng Trung Dược).

+ Trị mũi viêm dị ứng: Dùng nước sắc dung dịch Đơn bì 10%, uống mỗi lần 50ml, 10 lần là 1 liệu trình, có kết quả tốt (Sổ Tay Lâm Sàng Trung Dược).

Tham khảo:

+ Mẫu đơn bì, Quế chi đều có thể thông ứ trệ trong huyết mạch, Mẫu đơn bì có tính lạnh mà thông nhiệt ứ, Quế chi có tính ấm mà thông hàn ứ (Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển).

+ Nhũng trường hợp té ngã chấn thương gây tụ máu dưới da hoặc trong nội tạng gây đau nhức, dùng thuốc lý huyết có thêm Đơn bì để lương huyết, hóa ứ, có kết quả tốt (Sổ Tay Lâm Sàng Trung Dược).

+ Đơn bì có thể dùng trong các bài thuốc trị ban xuất huyết do giảm tiểu cầu nguyên phát, trị lỵ có kết quả tốt (Sổ Tay Lâm Sàng Trung Dược).

+ Trong nhiều bệnh phụ khoa loâị ứ huyết, dùng Đơn bì kết hợp với Quế chi làm tăng thêm tác dụng hoạt huyết, khứ ứ như bài Quế Chi Phục Linh Hoàn, trị viêm phần phụ hoặc bài Ôn Kinh Thang trị kinh nguyệt không đều... (Sổ Tay Lâm Sàng Trung Dược).

+ Thuốc lương huyết đa số có vị đắng, tính hàn, thiên về cầm máu. Thuốc hoạt huyết đa số có vị cay tán, thiên về khử ứ. Mẫu đơn bì thì có tính vị vừa lạnh mát, cay, tán, kiêm đủ cả, vì vậy có thể làm cho mát huyết mà không gây ra ứ trệ, lại có thể hoạt huyết mà không làm cho huyết chạy bậy, vì vậy, Đơn bì là vị thuốc chủ yếu của phần huyết (Đông Dược Học Thiết Yếu).

Phân biệt:

+ Mẫu đơn có nhiều loài, ở Trung Quốc mỗi địa phương trồng mỗi loài khác nhau. Ở An Huy trồng loài Mẫu đơn hoa đơn, có hoa màu hồng hoặc trắng và được coi là loài tốt nhất. Loài này thuộc loại cây trồng nhưng có nơi cũng thấy có phát hiện mọc hoang. Vùng trồng chủ yếu của các loài Mẫu đơn là Đông Lãng (An Huy), khu Nam Lăng, núi Phượng Hoàng, Hồ Bắc, Vân Nam, Quý Châu.

+ Mẫu đơn còn phân biệt với các cây Bông Trang, nhân dân cũng thường gọi là Mẫu đơn.

a) - Mẫu đơn, Đơn đỏ, Bông trang đỏ, Trang son (Ixora coccinea Unn.) họ Rubiaceae. Đó là cây nhỡ cao 0,6 – 1m. Lá mọc đối, gần như không cuống, phiến lá hình bầu dục, hai đầu nhọn, mặt trên xanh bóng, lá kèm nâu. Hoa nhỏ, dài, màu đỏ, mọc thành xim dầy đặc ở đầu cành. Quả tròn màu đỏ tím, mỗi ô có một hạt cong. Mùa hoa quả tháng 3 - 10. Dân gian dùng rễ của nó để trị phong thấp, cảm sốt, điều kinh.

b) - Mẫu đơn tàu, Trang hẹp, Trang tàu (Ixora chinensis Lamk., Ixora stricta Roxb.).

c) Mẫu đơn trắng, Trang trắng, Đơn trắng (Ixora nigricans R. Br. ex Wight el Arn.) họ Rubiaceae. Đó là cây nhỡ, cành non dẹt màu đen về sa u tròn và xám sáng. Lá thuôn bầu dục, hình ngọn giáo hay trái xoan ngược nhọn đầu, gốc tròn hay nhọn, bóng và đen ở mặt trên, nâu xám ở mặt dưới, dạng màng, dài 10 - 22cm, rộng 2 - 6cm, lá kèm hình bầu dục nhọn đầu. Hoa tập hợp thành xim hay ngù ở đầu cành hay nách lá, cuống chung phân đốt mang hoa trắng xếp dày đặc, lá bắc mảnh. Đài 4. Tràng có ống thuôn hẹp hình trụ, phía trên chia 4 thùy. Nhụy 4. Bầu 2 ô, 2 đầu nhụy cuộn lại. Quả hạch, vỏ quả đen bóng, có 2 ô, mỗi ô chứa 1 hạt. Ra hoa tháng 3-5, ra quả tháng 4 - 6. Kinh nghiệm dân gian lấy lá trị lỵ, nấu nước uống sau khi sinh. Có người còn dùng để trị lưng đau, đái hạ bằng cách sắc rễ uống.

d) Mẫu đơn vàng, Đơn vàng, Trang vàng (Ixora coccinea L. var. lutea Corr.) thuộc họ Rubiaceae). Là cây nhỏ không lông, lá thon, gốc hẹp từ từ, cuống ngắn, 7 - 8 cặp gân, lá kèm cao 6 - 7mm. Chùy hoa như ngù ở ngọn, dài 3 - 5cm. Cánh hoa dài l,2cm, đầu tròn hay tù. Quả hạch. Ra hoa vào tháng 4. Kinh nghiệm dân gian dùng rễ sắc uống để an thần, chống nôn mửa. Hoa và lá nấu canh ăn kích thích tiêu hóa.

đ) Phân biệt với Xích thược, Dã mẫu đơn.

3 - Khác với cây Đơn lá đỏ, còn gọi là Đơn tía, Liễu đỏ, Đơn mặt trời (Excolecaria cochinchinensis Lour., Excoecaria bicolor Hassk.). Là cây nhỏ, cao chừng 1m. Lá mọc đối. Mặt trên xanh bóng, mặt dưới màu đỏ tía. Mép lá khía răng. Hoa mọc thành bông ở kẽ lá hoặc ngọn cành. Hoa đực nhỏ, dài. Hoa cái to hơn. Quả ba mảnh vỏ, Hạt màu nâu nhạt. Cậy được trồng ở nhiều nơi, dùng lá để lam thuốc và trồng làm cảnh. Sắc uống để trị mẩn ngứa, mụn nhọt, kiết lỵ, tiêu ra máu, tiêu lỏng lâu ngày (Danh Từ Dược Học Đông Y).

Trích nguồn: SỔ TAY CÂY THUỐC VÀ VỊ THUỐC ĐÔNG Y
Do Lê Đình Sáng - Trường Đại học Y Khoa Hà Nội sưu tầm



Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Chữa Tê Thấp và Đau Nhức - Chay

Còn gọi là Cây Chay. Tên khoa học Artocarpus tonkinensis A. Chev. Thuộc họ Dâu tằm Moraceae.

CHỮA BỆNH PHỤ NỮ - Cây Diếp Cá

Còn có tên là cây lá giấp , ngư tinh thảo . Tên khoa học Houttuynia cordata Thunb. Thuộc họ Lá giấp Saururaceae. A. Mô tả cây. Cây diếp cấ là một loại cỏ nhỏ, mọc lâu năm, ưa chỗ ẩm ướt có thân rễ mọc ngầm dưới đất. Rễ nhỏ mọc ở các đốt, thân mọc đứng cao 40cm, có lông hoặc ít lông. Lá mọc cách, hình tim, đầu lá, hơi nhọn hay nhọn hẳn. Hoa nhỏ màu vàng nhạt, không có bao hoa, mọc thành bông, có 4 lá bắc màu trắng; trông toàn bộ bề ngoài của cụm hoa và lá bắc giống như một cây hoa đơn độc, toàn cây vò có mùi tanh như cá. Hoa nở về mùa hạ vào các tháng 5-8. (Hình dưới).

Chữa Cảm Sốt - Cỏ Mần Trầu

Còn gọi là ngưu cân thảo, sam tử thảo, tất suất thảo, cỏ vườn trầu, cỏ chỉ tía, cỏ dáng, cỏ bắc, cheung kras (Campuchia), mia pak kouay (Lào). Tên khoa học Eleusine indica (L.) Gaertn. (Cynosurus indica L.) Thuộc họ Lúa Poaceae (Gramineae).

CÂY THUỐC TRỊ BỆNH THÔNG DỤNG - DIẾP CÁ

Còn gọi là Dấp cá, rau Dấp, cây lá Giếp (Houttuynia cordata Thunb) thuộc họ lá Giấp (Saururaceae). Mô tả: Cây thảo cạo 20-40cm, Thân màu lục troặc tím đỏ. Lá mọc sọ le, hình tim, có bẹ, khi vò ra có mùi tanh như mùi cá. Cụm hoa hình bông bao bởi 4 lá bắc màu trắng, gồm nhiều hoa nhỏ màu vàng nhạt. Hạt hình trái xoan nhẵn. Mùa hoa quả: tháng 5 – 7.

Chữa Bệnh Tiêu Hóa - Vối

Tên khoa học Cleistocalyx operculatus (Roxb). Merr et Perry (Eugenia operculata Roxb., Syzygium nervosum DC.). Thuộc họ Sim Myrtaceae.

CHỮA MỤN NHỌT MẨN NGỨA - Đơn Tướng Quân

Tên khoa học Syzygium formosum var , ternifolium (Roxb) Merr. et Perry (Eugenia ternifolia Roxb., Eugenia formosa var. ternifolia (Roxb) Duth). Thuộc họ Sim Myrtaceae.

CÂY RAU LÀM THUỐC - KHOAI NƯA

Khoai nưa hay Khoai na - Amorphophallus paeoniifolius (Dennst.) Nicols, = A. campanulatus (Roxb.) Blume ex Decne, thuộc họ Ráy - Araceae. Cây thảo sống lâu năm, có thân củ nằm trong đất; củ hình bán cầu, rộng đến 20cm, mặt dưới lồi mang một số rễ phụ và có những nốt như củ khoai tây chung quanh có 3-5 mấu lồi; vỏ củ màu nâu, thịt trắng vàng và cứng. Lá mọc sau khi đã có hoa, thường chỉ có một lá có cuống cao tới 1,5m được gọi là dọc (cọng) dọc màu xanh sẫm có đốm bột; phiến chia làm 3 nom tựa như lá Ðu đủ. Cụm hoa gồm một mo to màu đỏ xanh có đốm trắng, mặt trong màu đỏ thẫm, bao lấy một bong mo là một trục mang phần hoa cái ở dưới, phần hoa đực ở trên. Khoai nưa phân bố ở Ấn độ, Myanma, Trung quốc, Việt nam, Campuchia, Malaixia, Inđônêxia, Philippin. Ở nước ta, khoai nưa mọc hoang rải rác ở khắp các vùng rừng núi, được bà con nhiều địa phương đem về trồng từ lâu đời ở trong vườn, quanh bờ ao, dọc hàng rào và trên các đồi để làm thức ăn cho người và gia súc, gặp nhiều ở các tỉnh Lạng s

CHỮA BỆNH PHỤ NỮ - Cây Hoa Cứt Lợn

Còn có tên là cây hoa ngũ sắc, cây hoa ngũ vị, cỏ hôi. Tên khoa học Ageratum conyzoides L. Thuộc họ Cúc Asteraceae(Compositae). A. Mô tả cây Cây hoa cứt lợn là một cây nhỏ, mọc hàng năm, thân có nhiều lông nhỏ mềm, cao chừng 25-50cm, mọc hoang ở khắp nơi trong nước ta. Lá mọc đối hình trứng hay 3 cạnh, dài 2-6cm, rộng 1-3cm, mép có răng cưa tròn, hai mặt đều có lông, mật dưới của lá nhạt hơn. Hoa nhỏ, màu tím, xanh. Quả bế màu đen, có 5 sống dọc (Hình dưới).

Chữa bệnh Tim - Vạn Niên Thanh

Còn gọi là thiên niên vận, đông bất điêu thảo, cửu tiết liên. Tên khoa học Rhodea japonica Roth. Thuộc họ Hành Alliaceae. Cần chú ý ngay rằng tên vạn niên thanh ở nước ta thường dùng để gọi nhiều cây khác nhau. Cây vạn niên thanh ta trồng làm cảnh là cây Aglaonema siamense Engl, thuộc họ Ráy Araceae. Còn cây vạn niên thanh giới thiệu ở đây thuộc họ Hành tỏi, hiện chúng tôi chưa thấy trồng ở nước ta, nhưng giới thiệu ở đây để tránh nhầm lẫn.

Đắp vết thương Rắn Rết cắn - Phèn Đen

Còn gọi là nỗ. Tên khoa học Phyllanthus reticulatus Poir. Thuộc họ Thầu dầu Euphorhiaceae.