Còn gọi là Cườm thảo đỏ, Dây chi chi (Abrus precaforius L.) thuộc họ Đậu (Fabaceae).
Mô tả: Cây leo với cành nhánh nhiều và mảnh. Lá dễ rụng, lá kép lông chim chẵn gồm 9-11 cặp lá chét thuôn, tù, màu lục sẫm, cuống lá chét có đốt cũng như cuống lá. Hoa nhiều, nhỏ, màu hồng hay tía nhạt, có tràng hoa dạng bướm, xếp thành chùy ở kẽ lá. Hạt hình trứng, nhẵn bóng, to bằng hạt đậu gạo, màu đỏ chói đẹp, có một đốm đen rộng bao tễ, Mùa hoa quả: từ tháng 3 - 5 trở đi.
Bộ phận dùng: Rễ, dây, lá và hạt.
Nơi sống và thu hái: Cây mọc hoang trong các rừng còi, rừng thưa và được trồng bằng hat hay cây. Người ta thường dùng dây lá quấn lại thành bó phơi khô. Rễ thu hái quanh năm.
Hoạt chất và tác dụng: Rễ và lá Cam thảo dây chứa một chất ngọt tương tự glyxyrizin có trong rễ Cam thảo bắc, nhưng vị khó chịu và đắng. Hạt chứa một chất độc là abrin, khi vào cơ thể tạo ra một kháng thể, gây vón hồng cầu dễ dàng, làm phù tấy kết mạc và gây hại tới giác mạc một cách vĩnh viễn.
Rễ, thân và lá thường được dùng làm thuốc giải độc, giải nhiệt, chữa ho. Lá dùng chữa rắn độc cắn. Hạt thường dùng làm thuốc sát trùng.
Cách dùng: Rễ, thân và lá dùng làm thuốc sắc uống, mỗi ngày 8-l6g, thường phối hợp với các vị thuốc khác. Lá thường dùng tươi, giã lọc lấy nước uống và bã đắp. Hạt thường dùng giã nát làm bột đắp.
Trích nguồn: CÂY THUỐC TRỊ BỆNH THÔNG DỤNG của PTS. Võ Văn Chi
Xem thêm: THUỐC BỔ, THUỐC BỒI DƯỠNG - Cam Thảo
Nhận xét
Đăng nhận xét