Còn gọi là Tầm duột, Tâm ruộc (Rhyllunthus acidus (L.) Skeels) thuộc họ Thầu dầu (Euphorbiaceae).
Mô tả: Cây nhỏ, cao tới 5m hay hơn, có thân nhẵn, Cành non màu lục nhạt, cành già màu vàng xám, mang nhiều vết sẹo của lá cũ. Lá kép, mọc so le, có cuống dài mang nhiều lá chét mỏng, gốc tròn, chóp nhọn. Hoa nhỏ, mọc thành xim đơm 4 - 7 hoa màu đỏ ở kẽ lá đã rụng. Quả mọng, có khía, khi chín màu vàng nhạt, vị chua, ngọt nhạt. Mùa hoa: tháng 3 - 5; mùa quả: tháng 6 - 8.
Bộ phận dùng: Lá, quả, vỏ thân và rễ.
Nơi sống và thu hái: Cây được trồng khá rộng rãi để lấy quả. Có thể thu hái lá, vỏ thân, rễ, được quanh năm. Quả nên hái lúc chưa chín.
Hoạt chất và tác dụng: Trong quả có nước, chất protit, lipit, gluxit, axit axetic, vitiamin C, Thường dùng giải nhiệt, chữa đau đầu. Chưa rõ hoạt chất trong lá, vỏ và rễ. Lá dùng chữa tụ máu gây sưng tấy, đau ở hông, ở háng. Vỏ thân được dùng tiêu hạch độc ung nhọt, đơn độc, giang mai, bị thương sứt da chảy máu, ghẻ lở, đau răng, đau mắt, đau tai có mủ, tiêu đờm, trừ tích ở phổi, đau yết hầu, song đao, độc đao.
Cách dùng: Quả thường dùng tươi, nấu canh ăn cho mát. Lá giã nhỏ với Hồ tiêu để đắp trị các chỗ đau. Vỏ phơi khô tán nhỏ ngâm rượu trắng (200g trong 1 lít) trong 10 ngày đem lọc lấy rượu, mỗi ngày uống 2 lần, mỗi lần 2 thìa canh. Rượu này nhỏ vào tai hôi thối làm hết mủ; thấm bông bôi ghẻ, loét, vết thương mau lành. Bột vỏ Chùm ruột ngâm giấm uống hết bệnh trĩ. Còn có thể nấu cao uống mỗi lần nửa thìa cà phê với nước chín trị họng sưng, họng mọc nấm, lổ mũi lòi thịt. Phối hợp với vỏ Vôn đồng lượng gấp đôi rồi hòa rượu trắng uống mỗi ngày 2 thìa cà phê trị các bệnh về tim. Rễ và vỏ rễ có độc, chỉ nên dùng ngoài, không được uống.
Trích nguồn: CÂY THUỐC TRỊ BỆNH THÔNG DỤNG của PTS. Võ Văn Chi
Xem thêm: Chữa Tê Thấp và Đau Nhức - Tầm Duột
Nhận xét
Đăng nhận xét