Còn gọi là Điền thất (Polygonum euspidutum sieb. Et Zuoc) thuộc họ Rau răm (Polygonaceae).
Mô tả: Cây nhỏ sống nhiều năm. Rễ phình thành củ cứng màu vàng nâu. Thân có những đốm màu tím hồng. Lá mọc so le, có bẹ chia ngăn. Hoa nhỏ màu trắng, mọc thành chùm ở kẽ lá. Quả khô có ba cạnh.
Bộ phận dùng: Rễ, củ.
Nơi sống và thu hái: Cây mọc hoang ở vùng đồi núi và thường được trồng ở nhiều nơi vùng đồng bằng để lấy củ làm thuốc. Thu hái rễ, củ vào mùa thu; rửa sạch, thái nhỏ, phơi khô.
Hoạt chất và tác dụng: Trong rễ có antraglycozit, tanin.
Theo Ý học cổ truyển, Cốt khí củ có vị ngọt đắng, tính mát, có tác dụng khu phong, hoạt huyết, lợi tiểu, trừ thấp. Thường thì dùng trị phong thấp, tê bại, đau nhức gân xương, ngã ứ huyết, huyết kết thành cục trong bụng gồ lên, đàn bà đẻ huyết hôi không ra, tiểu tiện gắt buốt và có máu.
Cách dùng: Ngày dùng 8 - 20g dạng thuốc sắc. Phối hợp với các vị thuốc khác như rễ cây Lá lốt, dây Đau xương, rễ Cỏ xước... chữa thấp khớp đau xương, bị thương ứa máu sưng tấy. Phối hợp với Gối hạc, lá Bìm bìm, Mộc thông, mỗi vị 15 - 20g sắc uống chữa phong thấp, viêm khớp, đầu gối và mu bàn chân sưng đỏ đau nhức. Phối hợp với lá Móng tay; củ Chút chít, mỗi vị l5 - 20g sắc uống chữa viêm gan cấp tính, sưng gan, bị thương ứ máu.
Trích nguồn: CÂY THUỐC TRỊ BỆNH THÔNG DỤNG của PTS. Võ Văn Chi
Xem thêm: Chữa Tê Thấp và Đau Nhức - Củ Cốt Khí
Nhận xét
Đăng nhận xét