Còn gọt là Kim cúc, Hoàng cúc (Chrysanthemum indicum.) thuộc họ Cúc (Asteraceae).
Mô tả: Cây thảo. Thân đứng cao 0,2 - 0,5 mét, phân cành ở ngọn. Lá mọc so le, có thùy sâu, mép có nhiều răng, không cuống. Cụm hoa hình đầu, thường mọc ở nách lá hay ở đỉnh cành, đường kính 1 - 1,5cm, cuống dài 2 – 5cm. Lá bắc xếp 3 - 4 hàng. Các hoa vòng ngoài hình lưỡi xếp 2 vòng; các hoa ở trong hình ống, màu vàng. Quả bế có lông mào.
Mùa hoa quả: Từ tháng 10 - 12 đến tháng 5.
Bộ phận dùng: Cụm hoa, quen gọi là hoa hoặc cành lá.
Nơi sống và thu hái: Cây thường được trồng làm cảnh, lấy hoa ướp chè và làm thuốc. Lúc trời khô ráo, hái hoa đem xông lưu huỳnh kỹ, xong nén chặt (độ 1 đêm) thấy nước chảy ra đen là được, sau đó phơi nắng nhẹ khoảng 3 - 4 nắng) hay sấy ở 40 - 50C đến khô. Nếu trời râm thì đêm phải sấy lưu huỳnh. Bảo quản ở chỗ khô ráo. Cành lá có thể cắt đoạn, rửa sạch, dùng tươi hay phơi khô. Cúc hoa vàng có thể trồng dễ dàng bằng đoạn thân vào mùa xuân.
Hoạt chất và tác dụng: Trong Cúc hoa vàng có các chất adenin, cholin, stachydrin, vitamin A và tinh dầu. Sắc tố của họa là chrysanthemin, khi thủy phân sẽ được glucoza và xyanidin.
Theo Y học cổ truyền, Cúc hoa vị ngọt, tính mát. Cành lá có vị đắng, cay, tính mát, Có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, tán phong minh mục. Cành lá dùng trị cảm, đau đầu, ho, trị rắn độc cắn và mụn nhọt. Hoa Cúc dùng chữa các chứng: hoa mắt, chóng mặt, nhức đầu, đau mắt đỏ, chảy nhiều nước mắt, huyết áp cao, định độc, mụn nhọt, sưng đau (đinh tai, viêm tuyến vú), giải độc rượu. Dùng uống lâu ngày lợi khí huyết.
Cách dùng: Ngày dùng 8 - 12g hoa hoặc 12 - 20g cành lá sắc uống. Dùng ngoài giã tươi đắp, không kể liều lượng. Để chữa cảm mạo phong nhiệt, dùng hoa Cúc 12g. Củ sắn dây 12g, lá dâu tằm 12g, rễ lau 19g, Bạc hà 5g, Cam thảo 5g, sắc uống ngày 1 thang. Hoa Cúc hãm uống dùng giải độc rượu.
Cúc hoa trắng cũng dùng như Cúc hoa vàng.
Nhận xét
Đăng nhận xét