Còn gọi là Bụt, Bông Bụt, Rạm bụt, Hồng bụt (Hibiscus rosa - sinensis L.) thuộc họ Bông (Malvaceae).
Mô tả: Cây nhỏ cao 4 - 5m. Lá hình bầu dục, nhọn đầu, tròn gốc, mép có răng to; lá kèm hình chi nhọn. Hoa ở nách lá, lớn, có 6 - 7 mảnh đài nhỏ hình chi; đài hợp màu lục dài gấp 3 lần đài nhỏ; tràng 5 cánh hoa màu đỏ; nhị nhiều, tập hợp trên 1 trụ dài; bầu hình trụ hay hình nón. Quả nang tròn, chứa nhiều hạt, cây ra hoa vào các tháng 5 - 7.
Bộ phận dùng: Lá, hoa và vỏ rễ.
Nơi sống và thu hái: Cây được trồng ở hầu hết các tỉnh vùng đồng bằng làm hàng rào, làm cảnh, Có thể thu hái lá quanh năm, dùng tươi hay sấy khô. Hoa và và cây thường dùng tươi.
Hoạt chất và tác dụng: Chưa có tài liệu nghiên cứu. Trong hoa có chất antoxyanozit trong lá và hoa đều có chất nhầy. Dược điển Việt nam in lần thứ nhất tập II có ghi: Lá phơi hay sấy khô có vị hơi đắng, tính mát, vào kinh thận. Có tác dụng tiêu viêm, chỉ huyết, có tính, sát trùng. Dùng chữa việm niêm mạc dạ dày - ruột đại tiện ra máu, kiết lỵ, mụn nhọt, ghẻ lở, mộng tinh, đái hạ.
Trong dân gian người ta thường dùng lá và hoa làm thuốc đắp mụn nhọt. Hoa dùng đắp các mụn đầu đinh, các khối u và các loại viêm sưng. Vỏ rễ dùng chữa xích và bạch lỵ, bạch đới khí hư. Cũng dùng làm thuốc điều kinh, chữa kinh nguyệt nhiều và dài ngày. Hoa Dâm bụt còn có tính năng tẩy xổ, nên ở Inđônêsia, người ta phối hợp với hạt Ðu đủ để dùng cho mục đích cho ra thai.
Cách dùng: Ngày dùng 4 - 12g lá hay vỏ rễ, dạng thuốc sắc. Dùng ngoài xông, rửa, liều dùng không hạn chế. Lá, hoa dùng tươi giã đắp không kể liều lượng.
Người bị trúng thử làm cấm khẩu, đâm lá Dâm bụt bỏ vào chút muối, vắt lấy nước cho uống sẽ làm bệnh nhân tỉnh lại.
Trích nguồn: CÂY THUỐC TRỊ BỆNH THÔNG DỤNG của PTS. Võ Văn Chi
Xem thêm: CHỮA MỤN NHỌT MẨN NGỨA - Dâm Bụt
Nhận xét
Đăng nhận xét