Còn gọi là Đậu chiều, đậu Cọc rào (Cujanus flavus DC.) thuộc họ Đậu (Fabaceae).
Mô tả: Cây nhỏ cao 1-2m. Lá kép mọc so le, có 3 lá chét, nguyên, có lông. Mặt trên xanh sẫm, mặt dưới trắng nhạt. Hoa vàng hay điểm những đường sọc tía, mọc thành chùm ở kẽ lá. Quả đậu dẹt, với 2 - 3 vết lõm chạy chéo trên quả. Hạt hình cầu, mầu vàng nâu, nâu hay đỏ nhạt tùy thứ.
Bộ phận dùng: Rễ, hạt và lá.
Nơi sống dà thu hái: Cây mọc hoang và được trông làm hàng rào ở hầu khắp các tỉnh vùng đồng bằng. Trồng bằng hạt vào mùa xuân. Chủ yếu trồng để lấy hạt dùng nấu chè ăn hoặc dùng làm thực phẩm như các loại đậu khác; quả non dùng xào như Đậu ván. Rễ dùng làm thuốc thay Sơn đậu căn, có thể thu hái quanh năm: đào về rửa sạch, thái mỏng, phơi khô. Lá dùng tươi, hạt lấy ở những quả chín.
Hoạt chất và tác dụng: Chưa có tài liêu nghiên cứu.
Đông y xem rễ Đậu săng có vị đắng, tính mát, thường được dùng làm thuốc chữa sốt, giải độc, tiêu thũng và chứng hay đái đêm. Hạt cũng dùng như rễ, còn dùng chữa ho, cảm, nhức mỏi gân cốt. Lá dùng chữa mụn nhọt, vết thương.
Cách dùng: Rễ thái mỏng để ngậm, hoặc bột rễ phối hợp với rễ cây Rẻ quạt (Xạ can) và phèn chua, hòa nước sôi để nguội, ngậm không nuốt nước, dùng chữa ho, cổ họng sưng đau. Nước sắc rễ Đậu săng (15g) hợp với Sài đất, Kim ngân hoa, mỗi vị 10g, dùng chữa cảm sốt, mụn nhọt và trẻ em lên sởi ho. Nước sắc hạt sao vàng uống trị ho, cảm và làm thông tiểu tiện. Cũng dùng chữa sởi. Hạt tươi mới hái có tính chất chữa được đái dầm. Lá tươi giã với ít muối đắp vào vết thương mụn nhọt.
Trích nguồn: CÂY THUỐC TRỊ BỆNH THÔNG DỤNG của PTS. Võ Văn Chi
Xem thêm: THÔNG TIỂU TIỆN VÀ THÔNG MẬT - Đậu Chiều
Nhận xét
Đăng nhận xét