Còn gọi là cây quả Giun, quả Nấc (Quisqualis indica L.) thuộc họ Bàng (Combretaceae).
Mô tả: Cây bụi, có cành mảnh, mọc tựa vào cây khác. Lá đơn, nguyên, mọc đối, hình bầu dục, đầu lá nhọn, gốc lá tròn hay lõm. Cành non và lá có lông mịn. Cụm hoa mọc thành chùm ở đầu cành. Đài hình ống dài, trên có 5 thùy. Tràng có 5 cánh họa, lúc mới nở màu trắng, sau chuyển thành hồng rồi đỏ. Nhị 10 dính, thành 2 vòng. Bầu dưới, một ô. Quả dài 35mm, dày cỡ 20mm, có 5 cạnh lối theo chiều đọc, khi chín màu nâu sẫm, chỉ chứa một hạt.
Bộ phận dùng: Hạt đã phơi hay sấy khô lấy ở những quả đã già (Quả giun, Sử quân tử).
Nơi sống và thu hái: Cây mọc hoang và cũng được trồng làm cảnh (vì có hoa đẹp). Ở hầu khắp các tỉnh đồng bằng đều có gặp. Cây ưa đất cao ráo, mát. Trồng bằng hạt hoặc bằng những đoạn cành già (10-15cm, cắm xuống đất).
Vào tháng 9-11, lúc trời khô ráo, thu hái quã già, phơi khô đập lấy nhân. Tiếp tục phơi hay sấy ở 50 - 60C đến khô. Để nơi khô ráo, tránh mối mọt, thối, sẫm màu.
Hoạt chất và tác dụng: Trong hạt có 21 - 27% dầu béo và axit quisqualic, còn có tanin và các saponozit. Nhưng hoạt chất chính hiện còn chưa biết.
Theo Y học cổ truyền, Sử quân tử có vị ngọt, tính ấm, có tác dụng mạnh tỳ vị, tiêu tích, trừ giun. Dùng trị trẻ em cam tích có giun đũa, bụng ỏng, gầy còm, tiêu hóa bất thường.
Cách dùng: Ngày dùng 6 - 12g nhân hạt đã bóc vỏ. Có thể rang ăn hoặc sắc uống. Khi dùng thuốc này, kiêng uống nước chè nóng. Có thể gây nấc hoặc nôn mửa. Cũng có thể dùng nhân hạt, cắt bỏ 2 đầu và bọc màng (để khỏi bị nấc) đem sao vàng tán bột uống mỗi ngày 10 - 20g. Uống liền 3 ngày vào buổi sáng. Trẻ em tùy tuổi, dùng ít hơn. Không dùng quá liều, vì nếu ăn nhiều, niêm mạc dạ dày và ruột sẽ bị viêm sưng, đi ỉa lỏng. Giải độc bằng vỏ quả Giun sắc lấy nước uống.
Trích nguồn: CÂY THUỐC TRỊ BỆNH THÔNG DỤNG của PTS. Võ Văn Chi
Nhận xét
Đăng nhận xét