Địa liền hay Thiền liền, Tam nại (Kaempferia galanga L.) thuộc họ Gừng (Zingiberaceae).
Mô tả: Cây thảo sống lâu năm. Thân rễ hình trứng gồm nhiều củ nhỏ. Lá 2 - 3cm mọc xòe ra trên mặt đất, có bẹ, phiến rộng hình bầu dục, thỏi hẹp lại thành cuống, mép nguyên, hơi có lông ở mặt dưới. Hoa trắng pha tím, không cuống, mọc ở kẽ lá. Toàn cây nhất là thân rễ có mùi thơm và vị nồng.
Bộ phận dùng: Thân rễ (quen gọi là rễ).
Nơi sống và thu hái: Cây mọc nhiều trong những rừng Dầu và cũng được trêng lấy củ thơm làm gia vị và làm thuốc. Trồng bằng thân rễ vào mùa Đông - xuân. Thu hái vào mùa khô. Đào củ về, rửa sạch, thái phiến mỏng, xông lưu huỳnh rồi phơi khô, sao cho dược liệu không bị đen và kém thơm.
Hoạt chất và tác dụng: Trong Địa liền có tinh dầu, mà thành phần chủ yếu là bocneola mytyl p.cumaric, axit etyl este, xinamic axit etyl este, pentadecan, xinamic andehyt và xineola. Chưa rõ hết tác dụng.
Dược điển Việt nam có ghi: Địa liền có vị cay, tính ấm, vào 2 kinh tỳ vị, có công năng ấm trung tiêu, tán hàn, trừ thấp, trừ uế khí. Thường dùng trị ăn uống không tiêu, ngực bụng lạnh đau, tê phù, tê thấp, nhức đầu, răng đau do phong. Dân gian còn dùng trị ỉa chảy, hoắc loạn, trị ho gà. Lá cũng được dùng ngâm rượu với củ làm cao dán.
Cách dùng: Ngày dùng 3 - 6g dạng thuốc sắc, thuốc bột hay viên. Ngâm rượu trong 5 - 7 ngày để xoa bóp, hoặc dùng uống. Có thể phối hợp với các vị thuốc khác. Rượu thuốc làm bớt nhức mỏi gân cốt, đau lưng và làm cho máu huyết thông hoạt. Cũng dùng trị nhức đầu, phù thũng. Nước chiết lấy ở củ có tính hạ đờm, lợi trung tiện. Lá và củ ngâm uống cho bớt ho, và có khi tẩm vào nước, rượu, ngậm trong miệng, cho hết hôi miệng của trẻ em, rễ còn dùng chế vào mỡ xức tóc cho thơm. Lá dùng làm thuốc cao dán trị các thứ nhức mỏi, dùng ăn sống có mùi thơm.
Trích nguồn: CÂY THUỐC TRỊ BỆNH THÔNG DỤNG của PTS. Võ Văn Chi
Xem thêm: Chữa Bệnh Tiêu Hóa - Địa Liền
Nhận xét
Đăng nhận xét