Còn gọi là Điển thanh hạt tròn, Điền thanh đầm lầy, Điền thanh lưu niên, Muống rút (Sesbania paludosa (Roxb.) Prain) thuộc họ Đậu (Fabaceae).
Mô tả: Cây bụi cao 3 - 4m. Thân cành màu xanh hoặc màu đỏ, có lõi xốp trắng thường dùng làm mũ và làm nút chai) Lá kép lông chim, có nhiều lá chét hình thuôn hẹp, dài 20 - 35mm, rộng 3 - 5mm. Chùm hoa ở kẽ lá dài 5 - 12cm, mang 8 - 10 hoa; hoa to, dài 25mm, màu vàng tuyền hay đốm đen, hoặc xám đỏ, hoặc tím sẫm. Quả đậu thẳng, thõng xuống, dài 20 - 30cm, rộng 4 - 5cm, Hạt hình cầu, màu nâu bóng, có đường kính 3,5mm. Hệ rễ phát triển mạnh và có nhiều nốt sần.
Bộ phận dùng: Lá và hạt.
Nơi sống và thu hái: Cây được trồng ở nhiều vùng của nước ta, đặc biệt là ở các tỉnh đồng bằng Sông Cửu Long. Trồng bằng hạt hoặc bằng cành vào tháng 3-4. Nhân giống bằng cách nhân cành. Là cây sống nhiều năm. Cũng có loại sống hằng năm, phân cành nhiều, chịu úng giỏi, chịu chua mặn cao, có khả năng tái sinh mạnh. Có thể thu hái lá quanh năm. Hoa thu hái vào kháng 8 - 9. Quả già thu hái vào tháng 10.
Hoạt chất và tác dụng: Trong lá khô, có 26,30% protein, 4,20% lipit, 39,20% gluxit và 18% xenluloza.
Trong hạt có 33,40% protein, 4.5% lipit, 24,60% gluxit và 14,8% xenluloza.
Nhân dân thường dùng hoa để ăn sống hoặc xào hay nấu canh chua ăn rất ngon, dùng lá luộc ăn và dùng hạt làm giá như đậu xanh. Lá và cành làm thức ăn cho gia súc. Vỏ cho sợi tốt. Thân cây chặt về ngâm nước rồi phơi làm củi đun.
Lá dùng để dán mụn nhọt. Ở Ấn Độ người ta dùng hạt làm thuốc điều kinh và làm săn da.
Cách dùng: Lá thường dùng tươi giã đắp. Hạt dùng dưới dạng thuốc sắc.
Trích nguồn: CÂY THUỐC TRỊ BỆNH THÔNG DỤNG của PTS. Võ Văn Chi
Nhận xét
Đăng nhận xét