Hoắc hương (Pogostemon cablin (Blanco) Benth.) thuộc họ Hoa môi (Lamiaceae).
Mô tả: Cây thảo sống lâu năm, cao 30 - 60cm. Thân vuông màu nâu, có lông dày, mịn. Lá mọc đối, phiến lá hình trứng, mép có răng cưa to, có lông ở cả 2 mặt. Hoa màu hồng tím nhạt, mọc thành bông ở kẽ lá hay ở ngọn cành. Quả bế, có hạt cứng. Mùa hoa quả: tháng. 5 - 6, nhưng ít gặp cây có hoa.
Bộ phận dùng: Phần cây trên mặt đất.
Nơi sống và thu hái: Cây được trồng để lấy lá làm thuốc. Trồng bằng hạt hoặc bằng cách giâm cành vào mùa xuân. Thu hái cành lá quanh năm, chủ yếu là trước khi cây ra hoa, đem rửa sạch, phơi khô.
Hoạt chất và tác dụng: Toàn cây có mùi thơm do tinh dầu (1,2%) mà thành phần chủ yếu là cồn patchouli, andehyt sinamic, andehyt benzoic, eugenola, cadinen, sesquitecpen và azulen.
Theo Y học cổ truyền, cây có vị cay, mùi thơm hắc, tính hơi ấm, được xem là vị thuốc có tác dụng làm mạnh dạ dày ruột, giúp sự tiêu hóa, hành khí, giảm đau. Thường dùng chữa cảm mạo, trúng nắng, trúng thực, nhức đầu, số mũi, đau mình, nôn mửa, đau bụng ỉa chảy, ngực bụng đau tức, ợ khan, hôi miệng.
Cách dùng: Nước sắc Hoắc hương dùng chữa cảm ho, nhức đầu, mệt mỏi, triệu chứng cúm. Ngày dùng 6 - 12g. Dùng riêng hay phối hợp với các vị thuốc khác: Kinh giới, Tía tô, Ngải cứu, Hương nhu để chữa cảm. Phối hợp với lá Chanh, Gừng, Chua me đất, Cam thảo đất để chữa ho. Nước sắc hay bột dùng trong trường hợp ăn không ngon, sôi bụng, đau bụng đi ngoài, hôi miệng, nôn mửa. Dùng riêng hay phối hợp với Sa nhân, Hồi.
Người có cơ thể khô gầy, thiếu máu, huyết áp cao, ngủ kém, đai tiện khó, tiểu tiện ít và vàng đỏ, không nên dùng.
Trích nguồn: CÂY THUỐC TRỊ BỆNH THÔNG DỤNG của PTS. Võ Văn Chi
Nhận xét
Đăng nhận xét