Còn gọi là É tía (Ocinum sanctum L.) thuộc họ Hoa môi (Lamiaeeae).
Mô tả: Cây thảo cao đến gần 1 mét. Thân cành màu đỏ tía, có lông. Lá mọc đối, mép khía răng, thường có màu nâu đỏ, có lông ở cả hai mặt, cuống lá dài. Cụm hoa là chùm đứng gồm nhiều hoa màu trắng hay tím, có cuống dài, xếp thành vòng 6 - 8 chiếc. Quả bế nhỏ. Toàn cây có mùi thơm dịu.
Bộ phận dùng: Phần cây nằm trên mặt đất.
Nơi sống và thu hái: Cây thường được trồng ở các tỉnh đồng bằng (Tiền Giang, Đồng Tháp, Bến Tre, Hậu Giang, Kiên Giang) để lấy lá làm rau ăn, nhưng chủ yếu để làm thuốc. Có thể trồng bằng hạt vào cuối mùa xuân: sau 6 tháng có thể thu hoạch được. Khi cần, thu hái cả cây, trừ rễ, lúc cây đang ra hoa, đem phơi khô.
Hoạt chất và tác dụng: Trong lá cây tươi có 0,2 - 0,3% tinh dầu mà thành phần chủ yếu là sugenola (45 - 70%).
Ngoài ra, còn có chừng 20% ête mêtylic của eugenola và 3% cacvacrola, Oxymen, p-xymen, camphen, limonen, anpha và bêta pinen.
Trong Y học eugenol dùng làm thuốc tê tại chỗ, thuốc sát trùng hạ nhiệt, chống bệnh hoại thư và bệnh lao phổi với liều 0,5. 0,8g trong 1 ngày, dưới dạng nang hay tiêm dưới da. Eugenol rất thông dụng trong Nha khoa (làm chất hàn răng tạm eugenat, làm thuốc điều trị viêm ngà, viêm xương ổ răng, làm tỏa bạc khi tráng bạc trên răng) trong việc điều trị răng mòn tê buốt.
Đông Y xem Hương nhu tía có vị cay, mùi thơm, tính ấm, có công năng phát hãn, thanh thử, tán thấp, hành thủy, được dùng trị cảm nắng, sốt nóng ghê rét, nhức đầu, đau bụng đi ngoài, tức ngực, nôn mửa, chuột rút, cước khí, thủy thũng.
Cách dùng: Ngày dùng 8 - 12g dạng thuốc sắc chữa cảm mạo, đau nhức, bụng đau, miệng nôn, chẩy máu cam.. Phối hợp với các vị thuốc khác có tinh dầu nấu nước xông chữa cảm nắng, làm ra mồ hôi.
Trong những ngày trời nóng, có thể đặt ít nhánh lá vào nón đội để tránh đau đầu. Nước sắc lá dùng ngậm và súc miệng để chữa chứng hôi mồm.
Trích nguồn: CÂY THUỐC TRỊ BỆNH THÔNG DỤNG của PTS. Võ Văn Chi
Nhận xét
Đăng nhận xét