Huyết dụ hay Phất dũ, Long huyết, Thiết thụ (Cordyline fruticosa (L.) A. Chevall.) thuộc họ Huyết dụ (Draenenaceae).
Mô tả: Cây nhỏ, cao cỡ l - 2m. Thân mảnh, to bằng ngón tay cái, mang nhiều vết sẹo của những lá đã rụng. Lá mọc tập trung ở ngọn, hẹp (1,2 – 2,4cm) và dài (20 - 35cm), màu đỏ tía (có thứ có lá một mặt đỏ, một mặt xanh. Hoa màu trắng pha tím, mọc thành chùy dài ở ngọn thân. Quả mọng chứa 1 - 2 hạt.
Bộ phận dùng: Lá và rễ.
Nơi sống và thu hái: Cây trồng làm cảnh, phổ biến ở nhiều nơi. Thường dùng lá và rễ làm thuốc. Khi trời khô ráo, cắt lá, loại bỏ lá sâu, đem phơi hay sấy nhẹ đến khô. Rễ thu hái quanh năm, phơi khô.
Hoạt chất và tác dụng: Chưa thấy tài liệu nghiên cứu hoạt chất. Cây thuốc được dùng từ lâu trong Y học dân gian.
Dược điển Việt Nam Tập II đã ghi: Lá đã phơi hay sấy khô của cây Huyết dụ có vị nhạt, hơi đắng, tính mát, vào kinh can, phế, có công năng cầm huyết, bổ huyết, tiêu ứ. Chủ trị: Ho, thổ huyết, rong huyết, băng huyết, lậu huyết, kinh nguyệt ra quá nhiều, kiết lỵ ra máu, phong thấp, đau nhức xương, chấn thương sưng. Nói chung huyết dụ là loài thuốc cầm máu rất thông dụng. Nhân dân vẫn dùng trị băng huyết, thổ huyết, ho ra máu hoặc nôn ra máu. Cũng còn dùng chữa lỵ, lậu, xích đới, bạch đới, trĩ.
Cách dùng: Ngày dùng 8 – 16g lá, rễ khô dạng thuốc sắc hoặc hoàn tán. Có thể dùng 16-30g tươi. Dùng riêng hoặc phối hợp với các vị thuốc khác. Để chữa băng huyết dùng phối hợp với buồng Cau điếc (buồng cau không ra quả, bị héo khô), rễ Cỏ Tranh, cỏ Gừng. Để chữa ho ra máu, phối hợp với Trắc bá, Thài lài sao đen. Để chữa đái ra máu, phối hợp với củ Ràng, lá Lấu, lá Tiết dê, lá cây Muối.
Không nên dùng trước khi sanh, hoặc sanh xong còn sót nhau.
Nhận xét
Đăng nhận xét