Còn gọi là Lức lan, Dây lưỡi, Sài đất giả, Chè rừng (Lippia nodiflora (L) Greene) thuộc họ cỏ Roi ngựa. (Verbenaceae).
Mô tả: Cỏ nhỏ, sống dai, mọc bò lan. Thân cành gần như vuông, nhẵn, có rễ phụ ở mấu. Lá mọc đối, cuống rất ngắn, hình muỗng, có răng ở nửa trên, có lông nằm thưa. Cụm hoa hình bông ở nách lá, đứng, có lá bắc kết hợp; hoa nhỏ trắng hay xanh, đài và tràng có 2 môi. Quả nang hình trứng nhện, rộng 1,5mm, nằm trong đài, khi khô có màu nâu đen.
Bộ phận dùng: Toàn cây.
Nơi sống và thu hái: Cây mọc ở các bãi đất hoang, ở các bãi cát ven biển, ở trên bờ đê nước mặn, ở các bãi cỏ ven đường, bờ ruộng, nhiều nơi vùng đồng bằng. Thường dùng toàn cây, thu hái quanh năm. Dùng tươi hay phơi khô.
Hoạt chất và tác dụng: Chưa thấy có tài liệu nghiên cứu. Cây chỉ mới được dùng trong phạm vi dân gian. Nhân dân vùng núi thường dùng lá nấu nước uống thay chè. Ở Philippin người ta cũng dùng như vậy. Ở vùng Nha Trang, cây được dùng trị ho và chữa các bệnh về đường hô hấp.
Tại Ấn độ, người ta dùng cành lá sắc uống nóng làm thuốc giúp ăn uống dễ tiêu và dùng trong các trường hợp rối loạn tiêu hóa ở trẻ em. Cây này cũng có những tính chất làm dịu và lợi tiểu nên cũng được sử dụng trị bệnh lậu.
Hiện nay, nhiều nơi còn dùng cây này làm thuốc chữa dị ứng (mày đay) và chữa bỏng.
Cách dùng: Để chữa mày đay, dùng 50-100g cây khô sắc uống hàng ngày. Nếu dùng cây tươi, phải tăng lượng gấp đôi, giã nhỏ, hòa nước lọc uống.
Để chữa bỏng, dùng cây tươi giã nát đắp.
Trích nguồn: CÂY THUỐC TRỊ BỆNH THÔNG DỤNG của PTS. Võ Văn Chi
Xem thêm: CHỮA MỤN NHỌT MẨN NGỨA - Sài Đất
Nhận xét
Đăng nhận xét