Còn gọi là cây Bìm Bịp, cây Xương Khỉ (Clinacanthusnutans (burm.f.) Lindau) thuộc họ Ô rô (Acanthaceae).
Mô tả: Cây nhỏ, mọc trườn. Lá nguyên, có cuống ngắn phiến hình mác hay thuôn, mặt hơi nhăn, mép hơi giún, màu xanh thẫm. Cụm hoa là bông dày rũ xuống ở ngọn. Lá bắc hẹp. Hoa đỏ hay hồng, cao 3 - 5cm. Tràng hoa có hai môi, môi dưới có ba răng. Quả nang dài 1,5cm, cuống ngắn có 4 hạt.
Bộ phận dùng: Phần cây trên mặt đất.
Nơi sống và thu hái: Cây mọc hoang ở hàng rào, bờ bụi, ở nhiều nơi thuộc các tỉnh Đồng Tháp, Hậu Giang, Kiên Giang và cũng được trồng. Có thể thu hái cây và lá quanh năm.
Hoạt chất và tác dụng: Chưa có tài liệu nghiên cứu.
Theo Y học cổ truyền, cây có tác dụng điều kinh, tiệu thũng, khử ứ, giảm đau. Toàn cây thường dùng trị dao chém bị thương tích, làm thuốc đắp liền xương, dùng đắp vết thương trâu bò húc. Cũng dùng chữa thiếu máu, hoang đản, phong thấp.
Cách dùng: Thường dùng cành lá phơi khô sắc uống trong và dùng lá tươi giã đắp ngoài. Ở Đồng Tháp, Hậu Giang đã có kinh nghiệm dùng lá tươi giã xào nóng bó trật gân, sưng tấy. Lá tươi giã đắp vào mí mắt chữa đau sưng mắt. Lá khô của Mảnh cộng có mùi thơm của cơm nếp, thường dùng để ướp bánh gọi là bánh Mảnh cộng.
Trích nguồn: CÂY THUỐC TRỊ BỆNH THÔNG DỤNG của PTS. Võ Văn Chi
Nhận xét
Đăng nhận xét