Còn gọi là Mào gà đuôi nheo (Celosia argentea L) thuộc họ Dền (Amaranthaceae).
Mô tả: Cây thảo hàng năm, mọc đứng, nhẵn, phân nhánh nhiều hay ít, cao 0,30 - 1m. Lá hình dải hay ngọn giáo, nhọn dài 8-10cm, rộng 2-4cm. Hoa không cuống hợp thành bông trắng hay hồng, dài 3-10cm. Đài 5, khô xác. Nhị 5, dính nhau ở gốc. Bầu hình trứng chứa chừng 7 noãn. Quả nang nẻ ngang. Hạt dẹt màu đen hoặc nâu đỏ, mặt bóng. Ra hoa vào mùa hạ và mùa thu...
Bộ phận dùng: Hạt và cành lá.
Nơi sống và thu hái: Gốc ở Đông Ấn, được nhập vào trồng từ lâu, nay trở thành cây mọc dại trên các bãi hoang, ở đất trồng, làm hại hoa màu. Có nơi trồng làm cây cảnh. Trồng bằng hạt vào mùa xuân.
Vào mùa thu, khoảng tháng 9 - 10, hái hoa về, phơi khô, đập lấy hạt, phơi sạch đến khô. Hoa, cành lá thường dùng tươi.
Hoạt chất và tác dụng: Trong hạt có chất béo. Các chất khác chưa rõ. Chưa có tài liệu nghiên cứu về dược lý.
Theo Y học cổ truyển, hạt Mào gà trắng (Thanh tương tử) có vị đắng, tính hơi hàn, vào kinh can. Có tác dụng khử phong nhiệt, thanh can hỏa, làm sáng mắt. Dùng chữa phong nhiệt làm mắt đau. Hạt cũng được xem như là loại thuốc tiêu viêm, thu liễm, cầm máu, dùng chữa chảy máu dạ dày ruột, thổ huyết, chảy máu cam, tử cung xuất huyết, ỉa lỏng, lồi đom, còn chữa bệnh về gan. Dùng ngoài trị thấp sang, ghẻ, hắc lào, mắt có màng đỏ, võng mạc xuất huyết. Cành lá trị nóng trong da, nhọt độc, ghẻ cái.
Cách dùng: Ngày dùng 6-16g hạt sắc uống. Để cầm máu, có thể phối hợp với Chỉ thiên, lá Huyết dụ. Có thể luyện thành viên uống. Dùng ngoài nẩu nước rửa không kể liều lượng.
Nhận xét
Đăng nhận xét