Còn gọi là Nguyệt quới, cây Cứt dê (Murraya paniculata (L.) Jack) thuộc họ Cam (Rutaceae).
Mô tả: Cây gỗ nhỏ, cao 2 - 4m, vỏ trắng hay trăng trắng. Lá kép lông chim lẻ có 5 - 9 lá chét mọc so le, nguyên hình bầu dục, ngọn giáo, nhọn ở gốc, bông láng, dai, có gân chính nổi rõ. Hoa lớn, màu trắng vàng, thơm thành xim ít hoa ở nách lá hay ở ngọn cây. Quả đỏ, nạc, hình cầu hay hình trứng, có đài tổn tại với 1 - 2 hạt hơi hóa gỗ.
Bộ phận dùng: Lá.
Nơi sống và thu hái: Cây mọc hoang trong các rừng còi, cũng phổ biến ở vùng đồng bằng. Thường được trồng làm cảnh và làm hàng rào vì có hoa thơm. Trồng bằng hạt.
Lá và vỏ cây thu hái quanh năm. Hoa và quả thu hái tháng 11 đến tháng Giêng. Dùng tươi hoặc sao khô.
Hoạt chất và tác dụng: Vỏ cây không mùi nhưng có dầu: lá có vị chát và cũng như vỏ, có chứa tinh dầu. Tất cả các bộ phận của cây, nhất là các cánh hoa chứa một gluco gọi là murrayin, mà khi có mặt của các axit pha loãng và đun sôi sẽ phân tách thành murrayetin và glucoza. Murrayin được xem như có tính chất kích thích và làm săn da.
Thường được dùng làm thuốc để trị lỵ, ỉa chảy, sốt rét, chữa đau nhức răng, làm thuốc bổ phổi và chữa ho có đờm.
Ở Phillippin, lá hãm uống cũng dùng trị ỉa chảy và kiết lỵ. Vỏ thân và vỏ rễ cũng dùng như lá, mà người ta xem như chúng có tinh dầu và một hoạt chất đắng.
Ở Mã Lai, nước hãm lá dùng để uống, xem như thuốc bổ và đặc biệt dùng trong việc điều hòa kinh nguyệt của phụ nữ.
Ở Java, nước sắc lá dùng trị sán dây.
Ở Trung Quốc lá được dùng làm thuốc trị đau ngực, đòn ngã, phong thấp, trị mụn ngứa, trừ phong ngoài da, trị ghẻ và rắn cắn.
Cách dùng: Thường dùng 8 - 16g lá khô sao vàng sắc uống, hoặc dùng 15g lá hãm trong 1 lít nước. Để bổ phổi, dùng 5 - 8g hoa sao khô sắc uống. Dùng ngoài lấy vỏ thân hay lá nhai ngậm chữa đau răng, hoặc nấu nước rửa trị bệnh ngoài da.
Trích nguồn: CÂY THUỐC TRỊ BỆNH THÔNG DỤNG của PTS. Võ Văn Chi
Nhận xét
Đăng nhận xét