Núc nác còn gọi là Nam hoàng bá (Oroxylum indicum (L.) Vent.) thuộc họ Núc nác (Bignoniaceae).
Mô tỏ: Cây nhỏ, cao 8 - 10m. Thân nhẵn, ít phân cành, vỏ cây màu xám tro, mặt trong màu vàng. Lá xẻ 2 - 3 lần lông chim, dài tới 1,5m. Hoa màu nâu đỏ sẫm mọc thành chùm dài ở ngọn thân. Đài hình ống, cứng, dày, có 5 khía nông. Tràng hình vuông, phình rộng, có 5 thùy hợp thành 2 môi, 5 nhị sinh sản bằng nhau. Bầu hơi dài, chứa nhiều noãn, xếp thành 4 hàng. Quả nang, rất to, dài 50 - 80cm, chứa nhiều hạt có cánh mỏng.
Bộ phận dùng: Vỏ thân, hạt.
Nơi sống và thu hái: Cây mọc hoang ở các rừng thưa và đồi ven rừng. Chỉ gặp ở các rừng của các tỉnh Hậu Giang, An Giang và Kiên Giang. Có thể trồng bằng hạt và bằng cành vào mùa xuân. Đẽo vỏ ở thân những cây già, đem phơi hay sấy khô để dùng, có thể thu quanh năm. Hạt lấy ở những quả giả, đem phơi khô.
Hoạt chất và tác dụng: Đã chiết được từ vỏ cây một hỗn hợp flavonoit và tách được baicalein và oroxylin. Các flavonoit này có tác dụng đối với bệnh mề đay, mẩn ngứa và còn có tính chất kháng trùng, hạt chứa một chất kiềm màu vàng và một chất dầu chứa 80,4% axit oleic, axit panmitic, stearic và cả axit lignoxeric.
Y học cổ truyền xem Núc nác là vị thuốc có vị đắng, tính mát, có tác dụng thanh can, giải nhiệt, tiêu độc, sát trùng, mát phổi. Thường dùng chữa vàng da, ngứa, viêm họng, khô họng, ho khản tiếng, dạ dày co cứng, trẻ em ban trái, sởi. Cũng được dùng chữa dị ứng sơn, điều trị bệnh vảy nến, hen phế quản trẻ em.
Cách dùng: Ngày dùng 8 - l6g dạng thuốc sắc hoặc cao. Có thể tán bột để uống. Dùng ngoài nấu nước rửa hoặc dùng cao bôi. Cũng có thể dùng hạt với liều 10g nấu nước uống hoặc tán bột uống.
Viện Dược liệu đã dùng hỗn hợp flavonoit làm thành viên nunaxin 0,25g để chữa mày đay và mẩn ngứa, dùng vỏ Núc nác làm viên Habanin kháng trùng. Nhân dân nhiều nơi dùng quả Núc nác non lùi vào bếp nướng ăn.
Người tỳ vị hư hàn đau bụng, đầy bụng, ỉa chảy không nên dùng.
Nhận xét
Đăng nhận xét