Còn gọi là Bò cạp nước, Canh-ki-na Việt Nam (cassia grandia L.f.) thuộc họ Đậu (Fabaceae).
Mô tả: Cây gỗ to, cao đến 12 - 15m; vỏ thân nhẵn, cành mọc ngang. Cành non có lông màu gỉ sắt, cành già màu nâu đen. Lá kép lông chim chẵn, gồm đến 12 đôi lá chét. Hoa màu hồng tươi, mọc thành chùm ở kẽ lá đã rụng. Quả hình trụ cứng, màu nâu đen, hơi cong, dài tới 50 - 60cm, có 50 - 60 ô, mỗi ô chứa một hạt dẹt, quanh hạt có cơm màu nâu đen, vị ngọt, mùi hắc.
Bộ phận dùng: Cơm quả, quả, lá và vỏ thân.
Nơi sống và thu hái: Ô môi mọc hoang và cũng được trồng để lấy quả. Chọn những quả chín để lấy cơm quả. Còn lá, vỏ thân thu hái quanh năm dùng tượi.
Hoạt chất và tác dụng: Trong cơm quả có khoáng 1,5% antraglucozit và phần aglycon có chrysophenol và một chất khác, flavonoit có quecetin và một số chất khác. Còn có đường khử, saponin tritecpenoid, anthocyan, tanin (nhiều), aminoaxit. Trong lá có antraglucozit và flavonoid. Hạt có chất béo. Cơm quả thường dùng làm thuốc bổ, chữa đau lưng, nhức mỏi, kích thích tiêu hóa, nhuận tràng, chữa lỵ, ia chảy. Lá dùng chữa bệnh ngoài da (hắc lào, lở ngứa) lá cũng có thể dùng chữa đau lưng, nhuận tràng. Vỏ dùng đắp trị rắn rết, bọ cạp cắn.
Cách dùng: Thường dùng cơm quả ngâm rượu hoặc nấu cao mềm, ngày uống 5 - 15g. Lá tươi giã hoặc ngâm cồn bôi, hoặc sắc uống, ngày dùng 4 - 8g. Vỏ thân dùng giã đắp. Dùng ngoài không kể liều lượng.
Trích nguồn: CÂY THUỐC TRỊ BỆNH THÔNG DỤNG của PTS. Võ Văn Chi
Xem thêm: THUỐC BỔ, THUỐC BỒI DƯỠNG - Ô Môi
Nhận xét
Đăng nhận xét