Phèn đen hay Tạo phần diệp (Phyllan thus reliculatus Potr.) thuộc họ Thầu dầu (Euphorbinceae).
Mô tả: Cây nhỏ, cao 2 - 4m, cành cây đen nhạt. Lá đơn, nguyên, mọc so le, có hình dạng thay đổi, hình trái xoan bầu dục hay hình trứng ngược, phiến lá rất mỏng, dài 1,5 - 3cm, rộng 6-12mm, mặt trên sẫm màu hơm mặt dưới, lá kèm hình tam giác hẹp. Hoa mọc ở kẽ lá, riêng lẻ hay xếp 2 – 3 cái một. Quả hình cầu, khi chín màu đen. Cây ra hoa quả tháng 8 - 10. Tránh nhầm với cây Nổ hay Bỏng nổ (Securinega virosa (Willd) Pax et Hoffm.) cùng họ với Phèn đen, có quả chín màu trắng.
Bộ phận dùng: Rễ, lá và vỏ thân.
Nơi sống và thu hái: Cây mọc hoang khắp nơi, ở bờ bụi, ven đường, ven rừng. Có nơi trồng làm hàng rào. Trồng bằng hột. Thu hái rễ vào mùa thu, rửa sạch, thái nhỏ, phơi khô, sao vàng. Lá hái vào mùa xuân hạ, phơi trong râm sao qua.
Hoạt chất và tác dụng: Chưa thấy có tài liệu nghiên cứu, chỉ mới biết trong cây có tanin.
Theo Y học cổ truyền, Phèn đen có vị đắng chát, tính lạnh, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, sát trùng, lợi tiểu. Thường dùng chữa sốt, kiết lỵ, ỉa chảy, phù thũng, ứ huyết do bị đòn ngã, chấn thương, trị huyết nhiệt sinh đinh nhọt. Còn dùng chữa bị thuốc độc mặt xám da vàng. Vỏ thân dùng chữa lên đậu, có mủ, tiểu tiện khó khăn.
Cách dùng: Ngày dùng 10 - 20g sắc uống. Dùng ngoài không kể liều lượng. Để chữa kiết lỵ, dùng lá Phèn đen tươi giã nát, thêm nước lọc. Dùng Mạch nha, Ý dĩ, Cam thảo đất đã phơi khô đem tán bột (mỗi thứ đều nhau, độ 1⁄2 thìa cà phê) uống với nước Phèn đen.
Để trị rắn cắn, lấy lá Phèn đen tươi giã nuốt nước, lấy bã đắp. Lá phơi khô dùng ngậm cầm chảy máu nướu răng (phối hợp với lá Long não và lá Xuyên tiêu càng tốt). Bột lá dùng rắc vết thương cho chóng lành, mau lên da non.
Để chữa bị thuốc độc, người ta thường phối hợp rễ Phèn đen với rễ cây Niệt gió sắc uống để tẩy xổ chất độc.
Trích nguồn: CÂY THUỐC TRỊ BỆNH THÔNG DỤNG của PTS. Võ Văn Chi
Xem thêm: Đắp vết thương Rắn Rết cắn - Phèn Đen
Nhận xét
Đăng nhận xét