Còn gọt là rau Đắng lá vàng (Glinus oppositifolius (L.) DC.: Mollugo oppositifolia L.) thuộc họ Rau Đắng đất (Molluginaceae).
Mô tả: Cây thảo sống lâu năm. Thân cành nhẵn, mọc bò lan. Lá mọc vòng 2 - 5 lá không đều nhau, có khi 6 lá, hình mác hẹp, dài 2 - 2,5cm, có 1 gân chính. Lá kèm rất nhỏ, sớm rụng. Hoa màu lục nhạt, có cuống dài, tụ họp 2 - 5 cái ở nách lá. Không có cánh hoa. Nhị. Nhụy có 3 vòi nhụy. Quả nang. Hạt hình thận. Mùa hoa quả: tháng 4 - 7.
Bộ phận dùng: Toàn cây.
Nơi sống và thu hái: Cây mọc hoang trên đất cát khô ở các bãi sông, ven biển và trong những thửa ruộng khô, bãi trống ở nhiều nơi vùng đồng bằng. Có nhiều ở Tiền Giang, Hậu Giang.
Có thể thu hái toàn cây quanh năm, tốt nhất lúc cây chưa có hoa, rửa sạch, phơi khô.
Hoạt chất và tác dụng: Chưa thấy có tài liệu nghiên cứu. Thường mới chỉ được dùng trong phạm vi dân gian.
Theo Y học cổ truyền, rau Đắng đất có vị đắng, tính mát, dùng trị kinh phong, thông tiểu, nhuận gan và đem đốt thành than dùng ngâm nước gội đầu. Thông thường trong nhân dân dùng nó làm thuốc hạ nhiệt, chữa bệnh về gan và chứng vàng da.
Nó có thể dùng thay rau Má trong toa căn bản.
Cách dùng: Mỗi ngày 50 - 100g sắc uống.
Để trị kinh phong, uống với chút muối. Có thể dùng nấu canh cá để ăn. Trong kháng chiến chống Pháp, chúng ta đã có kinh nghiệm dùng rau Đắng đất làm thuốc cao trị đau gan: dùng cây Cứt quạ 1 thúng, rau Đắng đất 1 thúng. Hai thứ nấu chung cho nhừ, lược bỏ xác, nấu nước thành cao, thêm đường hoặc mật nấu cho đặc để lâu được. Mỗi sáng, trưa và tối uống 1 muỗng cà phê. Trị các bệnh đau gan vàng da, chậm tiêu, lói bù tay, mặt, nổi u nhọt, mày đay.
Trích nguồn: CÂY THUỐC TRỊ BỆNH THÔNG DỤNG của PTS. Võ Văn Chi
Nhận xét
Đăng nhận xét