Còn gọi là Thổ cao ly sâm, Thổ nhân sâm (Talinum paniculatum (Jacq.) Gaetn: T. crassifolium Wiild.) thuộc họ Rau Sam (Portulacaceae).
Mô tả: Cây mọc đứng, cao tới 0,60cm, phân nhánh nhiều ở dưới, hoàn toàn nhẵn. Lá mọc so le, hình trái xoan thuôn hay hình trứng ngược, thót lại ở gốc thành cuống rất ngắn, dài 5 - 7cm, rộng 2,5 - 3,5cm; phiến lá dày, hơi mập, bóng cả hai mặt, mép lá hầu như lượn sóng. Hoa nhỏ, màu hồng, xếp thành chùm thưa ở ngọn thân và các nhánh, dài khoảng 30cm. Quả nhỏ, khi chín có màu đỏ nâu hay xám tro, hạt rất nhỏ, dẹt, màu đen nhánh.
Bộ phận dùng: Rễ và lá.
Nơi sống và thu hái: Cây gốc ở Mỹ châu nhiệt đới, được trồng ở nhiều nơi, có khi trồng làm cảnh. Trồng bằng hạt hoặc bằng mẩu rễ vào mùa xuân, thu. Sau một năm đã có thể thu hoạch lấy rễ. Rễ thu hái vào mùa thu. Đào về, rửa sạch, cắt bỏ rễ con. Lúc mới đào rễ có màu hồng đẹp. Đem phơi hay sấy khô và để lâu sẽ có màu đen xám. Khi dùng, thái mỏng, tẩm nước gừng hoặc nước đường, đồ chín. Nhiều người vẫn nhầm nó với Nhân sâm. Lá thường dùng tươi.
Hoạt chất và tác dụng: Chưa thấy có tài liệu nghiên cứu. Sơ bộ thấy trong rễ cây có dẫn xuất phenolic.
Sâm thổ cao ly mới được dùng theo kinh nghiệm nhân dân. Rễ được dùng làm thuốc bổ chữa suy nhược thần kinh, chữa ho, đau dạ dày. Lá thường dùng làm rau như rau Sam, rau Mồng tơi làm thuốc giải nhiệt, dễ tiêu.
Cách dùng: Ngày dùng 20 - 30g rễ sắc hoặc ngâm rượu uống. Dùng riêng hoặc phối hợp với rễ Vú bò, Hà thủ ô, Bạch truật nam, Sài hồ nam. Có khi người ta dùng rễ, cạo sạch vỏ, nấu canh thịt ăn. Lá thường dùng nấu canh ăn, có chất nhớt như rau Mồng tơi.
Trích nguồn: CÂY THUỐC TRỊ BỆNH THÔNG DỤNG của PTS. Võ Văn Chi
Nhận xét
Đăng nhận xét