Còn gọi là Sắn cơm, Cát căn (Puersaria thomasoni Benth.) thuộc họ Đậu (Fabaceae).
Mô tả: Dây leo dài tới 10m, có khi bò lan mặt đất. Rễ phình to thành củ nạc chứa nhiều tinh bột. Cành non có lông vàng. Lá kép gồm 3 lá chét to, mềm, có mép nguyên hay phân ra 2 - 3 thùy rõ rệt, có lông nằm rạp ở cả hai mặt lá. Chùm hoa ở kẽ lá, dài 10 - 40cm, mang rất nhiều hoa. Hoa to, màu tím, rất thơm. Quả đậu dài 9 - 19cm, rộng 10mm, có nhiều lông.
Bộ phận dùng: Rễ củ (Cát căn) và lá.
Nơi sống và thu hái: Cây mọc hoang ở rừng và được trồng ở nhiều nơi ở các tỉnh đồng bằng để lấy củ ăn và làm thuốc, làm thức ăn gia súc.
Từ tháng 10 đến tháng 3, tháng 4 năm sau, người ta đào củ và dùng dây trồng luôn. Củ đào lên rửa sạch, bỏ lớp vỏ bên ngoài cắt từng khúc dài 10 - 15cm, củ to thì bổ dọc, phơi hay sấy, kết hợp với xông Lưu huỳnh đến khô. Muốn chế bột sắn thì giã nhỏ, hòa nước, gạn lấy tinh bột, lọc đi lọc lại nhiều lần, phơi khô. Lá dùng tươi có thể thu hái quanh năm.
Hoạt chất và tác dụng: Hiện biết trong củ có tinh bột với tỷ lệ 12 - 15% (tính theo rễ tươi, đến 40% tính theo rễ khô). Còn có chất saponozit và một flavonozit là puerarin.
Trong dây lá khô có protein: 16,3%, lipit 1,8%, gluxit 31,1%, xenluloza 31,3%. Có nhiều axit amin đáng chú ý là axit asparaginic, axit glutamic, prolin, lơxin.
Theo Y học cổ truyền, Cát căn có vị ngọt, tính bình, có tác dụng giải biểu, thanh nhiệt, làm hết khát, sinh tân dịch. Dùng chữa cảm mạo, phát nóng không ra mô hôi, miệng khô, họng khát hoặc là cảm sốt đau các cơ bắp. Còn dùng trị đi lỵ ra máu, ban sởi mới phát (làm sớm mọc các nốt ban chẩn), mụn nhọt.
Bột Sắn đây được dùng để uống cho mát, giải nhiệt hoặc dùng trong việc chế thuốc viên vì nó có tính chất giúp cho viên dính đồng thời lại dễ tỏa ra để thuốc chóng tác dụng. Lá Sắn dây dùng chữa rắn cắn.
Cách dùng: Rễ Sắn dây thái lát phơi khô rang vàng, ngày dùng 8 - 20g sắc nước uống. Cũng dùng pha nước uống thay trà.
Bột Sắn dùng pha nước nguội uống giải nhiệt, giải khát, giải độc. Lá thường dùng tươi giã nát vắt nước uống bã đắp trị rắn cắn.
Trích nguồn: CÂY THUỐC TRỊ BỆNH THÔNG DỤNG của PTS. Võ Văn Chi
Nhận xét
Đăng nhận xét