Còn gọi là Khoai xiêm, Bìm bìm xẻ ngón, Bìm tay (Ipomoea digitata L.) thuộc họ Khoai lang (Convolvulaceae).
Mô tả: Cây leo bằng thân quấn, cành hình trụ, lá chia thành 5 - 7 thùy sâu, xòe ra như hình bàn tay, nhẵn, có cuống dài. Cụm hoa ở kẽ lá, hình chùy phân đôi, trông như ngù. Hoa màu hồng. Quả nang hình cầu, mở bằng 4 mảnh vỏ, đựng 4 hạt, có lông màu hung vàng. Mùa hoa quả: tháng 5 - 8.
Bộ phận dùng: Rễ củ.
Nơi sống và thu hái: Cây mọc ở bờ bụi nhiều nơi thuộc các tỉnh đồng bằng: Tiền Giang, Đông Tháp, Bến Tre, Cửu Long, Hậu Giang, An Giang, Minh Hải. Vào mùa thu đông, đào rễ củ về rửa sạch, thái mỏng, đồ lên, rồi phơi hay sấy khô.
Hoạt chất và tác dụng: Chưa có tài liệu nghiên cứu hoạt chất. Sơ bộ thấy có nhiều chất nhầy và có vị đắng.
Chỉ mới được dùng trong phạm vi dân gian làm thuốc bổ, tăng lực. Còn dùng làm thuốc lợi sữa, nhuận tràng, nhuận gan, giảm đau, tiêu độc và chữa rong kinh.
Cách dùng: Rễ củ Tầm sét cạo sạch vỏ, thái mỏng, giã nát, trộn với mật ong dùng ăn cho bổ, tăng lực. Nấu với đường ăn thường xuyên có tác dụng điều kinh và tránh béo bệu. Sắc uống hàng ngày lợi sữa, tẩy nhẹ, nhuận gan. Rễ giã tươi đắp hoặc làm cao dán chữa nhọt mủ.
Cũng có người dùng nó thay vị Cát căn (Củ sắn dây) và gọi nhầm nó là Cát căn.
Trích nguồn: CÂY THUỐC TRỊ BỆNH THÔNG DỤNG của PTS. Võ Văn Chi
Xem thêm: THUỐC BỔ, THUỐC BỒI DƯỠNG - Tầm Sét
Nhận xét
Đăng nhận xét