Còn gọi là Trắc bách (Biota orientalis (L.) Endl) thuộc họ Trắc bá (Cupressaceae).
Mô tả: Cây nhỏ, cao 6 - 8m, có dạng tháp, phân nhiều nhánh, xếp theo những mặt phẳng thẳng đứng. Lá nhỏ, mọc đối, hình vảy đẹp, lợp lên nhau, lá ở nhánh non và nhánh già có hình dạng khác nhau. Nón cái tròn ở gốc các cành. Nón quả hình trứng, có 6 - 8 vảy dày, xếp đối nhau. Hạt hình trứng, dài độ 4mm. Vỏ hạt cứng nhẵn, màu nâu sậm, không có cánh. Mùa hoa quả: tháng 3 - 9.
Bộ phận dùng: Lá (Trắc bá diệp) và nhân hạt (Bá tử nhân).
Nơi sống và thu hái: Cây nhập trồng làm cảnh ở các công viên các vườn hoa, lăng mộ. Hầu khắp các tỉnh ở vùng đồng bằng đều có gặp. Lá và cành nhỏ có thể thu hái quanh năm, nhưng tốt nhất vào tháng 9 - 11 phơi khô.
Hạt thu hái vào mùa thu đông, đem phơi khô, xát bỏ vảy ngoài, lấy nhân phơi khô. Khi dùng để nguyên hay ép bỏ dầu.
Hoạt chất và tác dụng: Trong lá có:
1. Tinh dầu với thành phần chủ yếu gồm fenchen, campho.
2. Các hợp chất flavon.
3. Phần sáp, sau khi xà phòng hóa sẽ được 21% axit hữu cơ, trong đó chủ yếu gồm những axit juniponic, axit sabinic.
Hạt chứa chất béo và saponozit (0,64%).
Theo Y học cổ truyền, Trắc bá điệp có vị đắng, mùi thơm, tính hơi hàn, có tác dụng lương huyết, cầm máu, tiêu ứ. Dùng làm thuốc cầm máu (thổ huyết, băng huyết...), lợi tiểu tiện, chữa ho sốt và làm chất đắng giúp sự tiêu hóa. Hạt có vị ngọt, tính bình, có tác dụng bổ tâm tỳ, định thần, chỉ hãn, nhuận táo, thông tiện. Dùng chữa hồi hộp, mất ngủ, hay quên, người yếu ra nhiều mô hôi, táo bón.
Cách dùng: Nhân quả hoặc lá sao đen, sắc uống cầm máu. Phối hợp với lá Ngải cứu, buồng Cau điếc, Bạc hà để chữa rong huyết; phối hợp với Huyết dụ, Thài lài tía, Rẻ quạt chữa ho ra máu. Nhân quả giã nhỏ, thêm nước, gạn uống chữa kiết lỵ. Lá Sao, sắc cùng rễ Chanh, rễ Dâu tằm hoặc Tầm gửi cây dâu uống chữa họ. Ngày dùng 8 - 12g, lá 4 - 12g nhân quả.
Người ỉa lỏng, nhiều đờm không nên dùng.
Trích nguồn: CÂY THUỐC TRỊ BỆNH THÔNG DỤNG của PTS. Võ Văn Chi
Nhận xét
Đăng nhận xét