Còn gọi là Trầu (Piper betle L.) thuộc họ Hồ tiêu (Piperaceae).
Mô tả: Cây nhỏ leo, nhẵn. Lá có cuống, có bẹ, dài 1,5 – 3,5mm, phiến hình trái xoan, dài 10 - 13cm, rộng 4,5 - 9cm, có gốc hơi không cân, hình tim nhiều hay ít ở những lá dưới, có mũi và nhọn ở đỉnh, dạng màng và cứng, có các điểm tuyến trong suốt rất mịn, gần gốc thường là 5. Hoa khác gốc, mọc thành bông. Quả mọng, lồi, tròn và có những lông mềm ở đỉnh.
Bộ phận dùng: Lá.
Nơi sống và thu hái: Cây gốc Malaixia, được trồng rộng rãi trong cả nước ta để lấy lá ăn trầu. Lá thu hái quanh năm, dùng tươi hay phơi khô, có khi tán bột dùng dần.
Hoạt chất và tác dụng: Lá chứa từ 0,8 - 1,8% (có khi đến 2,4%) tinh dầu thơm, có vị nồng, gồm chủ yếu là 2 phenol betel – phenol là đồng phân của eugenol, và chavicol, kem theo nhiều hợp chất phenolic khác. Chúng có tác dụng kháng sinh rất mạnh đối với các loại vi trùng, tụ cầu khuẩn, liên cầu khuẩn, song cầu khuẩn, vi khuẩn subtilit và trực trùng coli. Một số bệnh viện đã dùng Trầu không nấu thành cao chữa bệnh viêm chân răng (paradentose) có kết quả. Được xem như lá thuốc săn da, làm chất kích thích, làm chất lợi nước bọt và xem như có tác dụng dự phòng chống bệnh lỵ và sốt rét.
Dược điển Việt Nam in lân thứ nhất, tập II có ghi: Lá có vị cay nồng, mùi thơm hắc, tính ấm, vào 2 kinh: tỳ, phế. Có công năng khu phong, tán hàn, ôn vị, chỉ suyễn. Chủ trị: bán hấp, nhức mỏi, đau bụng đầy hơi, trị vết thương nhiễm trùng có mủ sưng đau, hen suyễn khi thời tiết thay đổi, đầu nhức khó thở.
Nhân dân thường dùng để rửa vết thương, vết loét, đắp ngoài để chữa viêm mạch bạch huyết, trị chốc lở.
Cách dùng: Ngày dùng 8-16g dạng thuốc sắc. Thường dùng ngoài giã đắp lên ngực để chữa ho và hen, hoặc đắp lên vú để cho sữa không ra nữa. Dùng ngoài không hạn chế liều lượng.
Để chữa vết lở loét, mụn nhọt, vết chàm má trẻ mới đẻ, dùng 2-3 lá Trầu tươi, cắt thật nhỏ, cho vào ly con, giội nước sôi vào cho ngập. Sau 10-15 phút dùng nước này để rửa ngày 2-3 lần.
Nếu vết loét có nước rỉ vàng, dùng giấy bản đốt lấy tro đắp vào. Vết loét to thì tăng số lượng lá Trầu lên.
Trích nguồn: CÂY THUỐC TRỊ BỆNH THÔNG DỤNG của PTS. Võ Văn Chi
Xem thêm: CHỮA MỤN NHỌT MẨN NGỨA - Trầu Không
Nhận xét
Đăng nhận xét