Có nhiêu loài khác nhau cùng chi Bambusa thuộc họ Lúa (Poaceae).
Mô tả: Có các loài thường được nhắc đến là Tre mỡ (Bambusa vulgaria Schrader ap. Wendl.) Tre gai, Tre La ngà (Bambusa blumeana Schultes), Tre gai rừng (Bambusa arundinacea Retz.).
Tre mỡ cao 6 - 15m, có thân rễ ngầm, sống dai, mọc ra những chồi gọi là măng ăn được. Thân có các ống rỗng và các đốt đặc, màu vàng xanh. Lá có cuống, gân lá song phiến không lông, mép ngắn có rìa lông. Cây ra hoa một lần, khi kết quả xong thì chết. Cụm hoa dạng chùy, có lá hay không; bông nhỏ đẹp nhọn, xếp từng đôi, chứa 4 - 12 hoa.
Bộ phận dùng: Nhiều bộ phận của cây được dùng làm thuốc như: tinh tre (trúc nhự) nước tre non (trúc lịch), lá tre (trúc điệp).
Nơi sống và thu hái: cây Tre được trồng nhiều làm hàng rào quanh làng và quanh nhà. Có nhiều loại có thể sử dụng. Để lấy tinh Tre, cạo bỏ vỏ xanh, sau đó cạo lớp thân thành từng thoi mỏng hay sợi mỏng, còn phơn phớt xanh rồi phơi khô. Khi dùng, tẩm nước gừng sắc. Nếu lấy Tre non tươi về nướng lên, vắt lấy nước, ta được nước Tre non. Lá Tre thường dùng tươi.
Hoạt chất và tác dụng: Chưa có tài liệu nghiên cứu.
Theo Y học cổ truyền, lá Tre có vị đắng, tính mát, có tác dựng giải nhiệt, thanh tâm, tiêu đờm. Thường dùng làm thuốc ra mồ hôi, sát trùng, chữa viêm nhiễm phù thũng, cảm sốt.
Tinh Tre có vị ngọt, tính hơi lạnh. Có tác dụng thanh nhiệt, lương huyết, trừ phiền, khỏi nôn, an thai. Dùng chữa sốt, buồn nôn, mửa, chảy máu cam, băng huyết, đái ra máu, động thai. Nước Tre non vị đắng, hơi ngọt, tính mát, có tác dụng thanh nhiệt, tiêu khát, trừ đờm, dùng chữa cảm sốt, mê man, trúng phong cấm khẩu.
Cách dùng: Hàng ngày dùng 20 - 30g lá Tre, dạng thuốc sắc uống hoặc xông: 10 - 15g tinh Tre chế, dạng thuốc sắc; 40 - 60g nước Tre non, hâm nóng uống, thường phối hợp với nước Gừng.
Chẳng hạn, để chữa kinh nguyệt ra nhiều, ra mãi không ngừng, dùng tinh Tre sao qua, tán nhỏ, mỗi lần dùng 12g, uống với nước nóng.
Nhận xét
Đăng nhận xét