Còn gọi là cây Lá Vông (Erythrina variegata L.) thuộc họ Đậu (Fabaceae).
Mô tả: Cây to, cao tới 10m, vỏ xanh rồi nâu, có nhiều gai ngắn. Lá mọc so le, có 3 lá chét hình tam giác. Vào tháng 3 - 5, sau khi lá rụng, cây ra hoa. Chùm hoa dày gồm nhiều hoa màu đỏ chói. Quả đậu không lông, có eo giữa các hạt. Hạt hình thận, màu nâu.
Bộ phận dùng: Lá và vỏ thân.
Nơi sống và thu hái: Cây mọc hoang dọc bờ biển và cũng được trồng ở nhiều nơi khắp các tỉnh đồng bằng làm cây bóng mát và làm hàng rào. Có nhiều ở Long An, Tiền Giang...
Thu hái lá vào mùa xuân, chọn lá bánh tẻ, dùng tươi hay phơi khô. Vỏ cây thu hái quanh năm.
Hoạt chất và tác dụng: Trong lá và thân có một ancaloit độc là erythrin. Chất này có tác dụng làm giảm và có khi làm mất hẳn hoạt động thần kinh trung ương, tuy nhiên không ảnh hưởng đến sự kích thích vận động và sự co bóp của cơ. Còn có chất saponin gọi là migarin làm giãn đồng tử. Trong hạt có ancaloit gọi là hypophorin, có tác dụng tăng phản xạ kích thích đưa đến sự co giật uốn ván. Lá Vông có tác dụng ức chế hệ thần kinh trung tương làm yên tĩnh, gây ngủ, hạ nhiệt, hạ huyết áp. Còn có tác dụng co bóp các cơ. Ít có độc.
Theo Y học cổ truyền, lá Vông có vị đắng nhạt, hơi chát, tính bình, có tác dụng an thần, sát trùng, tiêu tích, dùng chữa tim hay hồi hộp, ít ngủ hoặc mất ngủ, trẻ em cam tích, viêm ruột, ỉa chảy, kiết lỵ, viêm da, lở chảy nước, phong thấp, ung độc.
Cách dùng: Ngày dùng 4 - 6g, dạng thuốc sắc làm thuốc an thần, gây ngủ. Thường phối hợp với Lạc tiên, lá Dâu, tâm Sen. Lá khô tán bột rắc vào vết thương. Để rửa, dùng nước sắc lá tươi. Có nơi dùng lá Vông để trị bệnh trĩ: dùng lá tươi xào trứng ăn, dùng lá già giã ra, nướng đắp vào hậu môn để chữa bệnh trĩ.
Trích nguồn: CÂY THUỐC TRỊ BỆNH THÔNG DỤNG của PTS. Võ Văn Chi
Nhận xét
Đăng nhận xét