Xoài (Mangifera indica L.) thuộc họ Đào lộn hột (Anacardiaceae).
Mô tả: Cây gỗ lớn, cao 10 - 20m, có tán râm. Lá đơn, nguyên, mọc so le, phiến lá hình thuôn mũi mác, nhẵn, thơm. Hoa hợp thành chùm kép ở ngọn cành. Hoa nhỏ, màu vàng, 5 lá đài nhỏ, mặt ngoài có lông, 5 cánh hoa có tuyến mật, 5 nhị nhưng chỉ có 1 hoặc 2 nhị sinh sản. Bầu trên thường chỉ có 1 lá noãn chứa 1 noãn. Quả hạch chín màu vàng, thịt vàng, ngọt, thơm, nhân có xơ. Hạt rất to. Có nhiều thứ Xoài: Xoài tượng, Xoài cơm, Xoài thanh ca...
Bộ phận dùng: Vỏ thân, lá, nhựa cây, quả, hạt.
Nơi sống và thu hái: Cây của vùng nhiệt đới, được trồng ở nhiều nơi thuộc các tỉnh phía Nam của nước ta. Có thể thu hái vỏ cây, lá, nhựa quanh năm, dùng tươi hay phơi khô. Quả thu hái khi chín.
Hoạt chất và tác dụng: Võ thân chứa tới 3% tanin và một hợp chất flavonoit gọi là manugiferin, có tác dụng làm se và sát trùng. Lá chứa nhiều tanin làm săn da, thường dùng trị ho và sưng họng, còn có mangiferin thuộc nhóm các xanthon có tính chất lợi tiểu. Nhựa từ vỏ cây rỉ ra không mùi, có vị chát đắng, hơi cay; thường dùng trị kiết lỵ, ia chảy và bệnh ngoài da. Cũng dùng trị bạch đới, kinh nguyệt quá nhiều.
Quả chứa nhiều caroten và các vitamin B1, B2 và C. Thịt quả dùng trị bệnh hoại huyết và loạn óc. Vỏ quả dùng trị kiết lỵ. Hạt chứa nhiều tinh bột, dầu, tanin, dùng trị giun, kiết lỵ và ỉa chảy.
Cách dùng: Ta thường trồng Xoài lấy quả ăn. Vỏ thân thường dùng chữa đau răng: lấy 1 miếng vỏ bằng bàn tay, cạo vỏ ngoài rồi thái mỏng, dùng tươi hay phơi khô dùng dần.
Nếu dùng vỏ tươi thì giã vắt lấy nước, thêm tí muối để ngậm, nhổ nước, mỗi ngày 4 - 5 lần. Nếu dùng vỏ khô, thì sắc lấy nước hoặc ngâm rượu, mỗi ngày dùng 10 - 20g.
Nhựa cây tươi đem ngâm trong nước chanh dùng trị các thứ ghẻ lở. Hạt phơi khô, tán bột dùng mỗi lần 1,5g trị giun hoặc sắc uống trị kiết lỵ, ỉa chảy. Lá thường dùng nấu nước xông trị các bệnh trong họng.
Trích nguồn: CÂY THUỐC TRỊ BỆNH THÔNG DỤNG của PTS. Võ Văn Chi
Xem thêm: Chữa bệnh Mắt Tai Răng Họng - Xoài
Nhận xét
Đăng nhận xét