Đậu dải - Vigna unguiculata (L.) Walp. = Vigna sinensis (L.) Savi ex Hassk., thuộc họ Đậu - Fabaceae. Cây thảo leo hoặc bò lan mặt đất, có thân dài tới 2m. Lá có 3 lá chét, lá chét giữa đối xứng hình tim nhọn, hai lá bên không đối xứng. Chùm hoa ở nách lá, mang 3-4 hoa to màu vàng hoặc tím. Quả đậu hình dải, khi chín vỏ tách ra và xoắn lại. Hạt hình thận xếp dọc trong quả. Quả và hạt có kích thước, trọng lượng, màu sắc và thành phần hoá học thay đổi tuỳ theo giống đậu trồng.
Đậu dải được trồng rộng rãi ở các vùng nhiệt đới trên thế giới. Ở nước ta, khắp các tỉnh đồng bằng, trung du và miễn núi đều có trồng nhiều giống Đậu dải khác nhau. Hiện đã biết trên 10 giống được trồng từ lâu đời.
- Nhóm giống đậu có quả hướng lên trên gồm nhiều các giống đậu trắng, đậu đen, đậu đỏ, đậu trứng cuốc... trồng để ăn hạt (subsp. unguiculata và subsp. cylindrica (L.) Verdc,
- Nhóm giống đậu có quả thõng xưống gồm các giống đậu trắng, đậu đũa, đậu dải áo … trồng để ăn quả non (subsp. sesquipedalis (L.) Verdc.).
Đậu dải là một loại cây thức ăn giàu protein cho người và gia súc. Hạt đậu dải có giá trị dinh dưỡng cao, dùng để thổi xôi, nấu chè, làm nhân bánh, ủ giá. Người ta đã biết thành phần hoá học của một số Đậu dải trồng ở Việt Nam:
- Đậu đen: nước 14,0; protein 24,2; lipid 1,7; glucid 52,3; cellulose 4,0. Tro 2,8. 100g Đậu cụng cấp cho cơ thể 334 calo.
- Đậu trứng cuốc: nước 14,0; protein 25,8; lipid 2,0; glucid 50,0; cellulose 4,8. Tro 3,4. 100g đậu cung cấp cho cơ thể 329 Calo.
- Đậu đũa: nước 14,0; protein 23,7; lipid 2,0; glucid 51,9; cellulose 4,3. Tro 4,1. 100g đậu cung cấp cho cơ thể 329 calo.
Có một số giống đậu dải trồng để lấy quả non ăn như một loại rau xanh dùng để luộc và xào nấu. Lá non cũng dùng làm rau. Quả non của chúng có thành phần hoá học như sau (tính theo %):
- Đậu đũa: Chất thô protein 6,0; lipid 1,4; glucid 37,5; cellulose 36. Chất tiêu hoá protein 1,8; lipid 0,7; glucid 26,7; cellulose 8,6.
- Đậu dải áo: Chất thô protein 2,8; lipid 0,2; glucid 6,1; cellulose 2,2. Chất tiêu hoá protein 1,4; lipid 0,1; glucid 5,7; cellulose 0,5.
Đậu dải áo và Đâu đũa không chỉ dùng làm rau ăn mà còn dùng làm thuốc. Chúng có vị ngọt hơi mặn, tính bình, vào tỳ, thận, có tác dụng mạnh dạ dày, điều hòa ngũ tạng, ích khí, bổ thận, sinh tinh tuỷ, khỏi đái rắt, đái dầm, nôn mửa, ỉa chảy, đi lỵ. Người có bệnh đái tháo, viêm ruột già mạn tính, đại tiện thất thường nên ăn thường xuyên. Hạt Đậu dải dùng hầm với thận lợn chữa thận hư yếu, tinh ít, di tinh, liệt dương; nấu với bong bóng lợn (cho đậu vào trong) chữa đái rắt, đái tháo, đái dầm, đái đêm nhiều; hầm với đại tràng lợn (cho vào trong ruột) mà ăn chữa đại tiện thất thường, khi ỉa lỏng, khi táo bón hoặc kiết lỵ. Dùng mỗi lần 100-150g đậu, 5-7 lần hầm thấy có kết quả.
Trích từ sách: Cây Rau Làm Thuốc
của PTS Võ Văn Chi
do NXB TH Đồng Tháp ấn hành
Nhận xét
Đăng nhận xét