Đay dại, Cây rộp hay Bố dại - Corchorus estazns L. thuộc họ Đay - Tiliaceae. Cây thảo sống hằng năm, phân cành nhiều, màu tía. Lá hình bầu dục nhọn, tròn ở gốc, nhọn ở đỉnh, mép có răng cưa đều, ngắn; lá kèm dài nhọn đầu và khá dai. Cụm hoa mọc ở nách lá, gồm 3 hoa nhỏ màu vàng. Quả nang, hình trụ, có 6-8 cạnh, chứa nhiều hạt.
Cây đay dại phân bố ở Ấn độ, Trung quốc, Việt nam, Lào, Campuchia, Philippin, Indonêxia, châu Đại dương và vùng nhiệt đới của châu Phi. Ở nước ta, cây mọc hoang dại phổ biến ở các bãi ven đường, bờ ruộng.
Ngọn và lá non vò qua, thái nhỏ và đem nấu canh. Ở nhiều nơi, người ta thường hái lá về làm rau cho lợn ăn. Năm l979, Viện chăn nuôi cho biết trong 100g lá tươi có nước 72%, protein 4,2; lipid 1,3; cellulose 3,3; dẫn xuất không protein 17,2; khoáng toàn phần 2,0.
Trong 1kg thức ăn, có protein tiêu hoá 31g, calcium 3,8g, phosphor 1,3g.
Vỏ cây đay dại có sợi dùng dệt các mặt hàng thô hoặc làm giấy.
Người ta dùng lá đay dại nấu canh ăn, có công hiệu làm mát, giải nóng: trộn với đường vàng giã nát có thể đắp lên nhọt để rút độc. Nhân dân còn lấy cả cây giã nát để tắm cho sởi chóng mọc và làm thuốc đòn ngã. Ở Trung quốc, người ta dùng lá non giải cảm nắng.
Trích từ sách: Cây Rau Làm Thuốc
của PTS Võ Văn Chi
do NXB TH Đồng Tháp ấn hành
Nhận xét
Đăng nhận xét