Bầu đất, còn gọi là Kim thất, Rau lúi, Rau bầu đất – Gynura procumbens (Lour.) Merr = Gynura sarmentosa DC, thuộc họ Cúc - Asteraceae. Bầu đất mọc bò và hơi leo, cao đến 1m, mọng nước, phân nhiều cành. Lá dày, giòn, thuôn, xanh lợt ở mặt dưới, hơi tía ở mặt trên và xanh ở gân. Cụm hoa ở ngọn cây gồm nhiều đầu màu tía, các hoa trong đầu hoa hình ống, màu vàng. Quả bế mang một mào lông trắng ở đỉnh.
Bầu đất phân bố ở nhiều nước châu Á như Ấn độ, Indônêxia, Thái lan, Philippin và Việt nam. Bầu đất là loài rau mọc hoang nhưng cũng thường được trồng ở nhiều nơi làm rau ăn và làm thuốc. Người ta thường dùng lá và ngọn non nấu canh cua. Canh bầu đất được xem như là bổ, mát dùng cho trẻ em ăn chữa chứng đái dầm và ra mồ hôi trộm. Cũng dùng chữa đái són, đái buốt. Người ta cũng dùng bầu đất nấu canh làm thức ăn chữa bệnh phụ nữ viêm bằng quang mạn tính, khí hư, bạch đới. Hoặc sắc nước uống với bột Thổ tam thất và Y đĩ sao, với liều bằng nhau, mỗi lần 10-15g, ngày uống 2 lần.
Ở Campuchia, thân và lá bầu đất, dùng phối hợp với những loài cây khác dùng để hạ nhiệt trong chứng sốt phát ban như các bệnh sốt, tính hồng nhiệt.
Ở Malaixia người ta cũng dùng lá ăn trộn với dầu, giấm và cũng dùng cây để trị lỵ. Còn ở Java (Inđônêxia), người ra dùng nó để trị bệnh đau thận.
Ngoài cây bầu đất, còn có nhiều loài khác cùng chi cũng được sử dụng làm rau ăn, thường dùng nấu cạnh, như cây Cải kim thất hay Rau lúi – Gynura barburaefolia Gagnep. Cải giả — Gynura nitida DC. và cây Rau tầu bay sẽ nói ở sau.
Trích từ sách: Cây Rau Làm Thuốc
của PTS Võ Văn Chi
do NXB TH Đồng Tháp ấn hành
Nhận xét
Đăng nhận xét