Cà, Cà pháo, Cà cỏ - Solanum melongena L., thuộc họ Cà – Solanaceae. Cây thảo sống hằng năm hay sống dai, có thân hoá gỗ. Lá mọc so le, phủ nhiều lông, phiến lá hình trái xoan hay thuôn. Cụm hoa ở nách lá; hoa màu tím xanh, tím nhạt hoặc trắng. Quả mọng, có kích thước, hình dạng, màu sắc thay đổi tùy theo thứ và điều kiện trồng trọt.
Cà gốc ở Ấn độ, được nhập trồng vào nước ta từ lâu đời. Trong quá trình trồng trọt và chọn lọc, người ta đã rạo ra nhiều giống Cà, phổ biến là:
- Cà bát, có quả to bằng cái bát, màu trắng hoặc xanh.
- Cà xoan, có quả dài, màu xanh.
- Cà pháo, có quả nhỏ, màu trắng hoặc vàng, trồng rất phổ biến.
- Cà tứ thời, có quả bé hình cầu, có màu sắc thay đổi, cho quả quanh năm.
- Cà dái đê, có quả dài, thon, màu trắng hoặc màu tím, nhập từ Pháp.
- Cà tím, có quả hình trụ dài, phần đầu phình to hơn, thường có màu tím thẫm. Loại Cà này được nhiều người thích ăn.
Còn có giống Cà dừa, Cà sung...
Cà thường dùng ăn xào, ăn luộc, dùng làm nộm ăn sống (bóp xổt với muối để chấm mắm ăn), muối xổi (Cà pháo), nén (Cà bát) và muối mặn ăn dần. Ở các gia đình nông thôn các tỉnh phía Bắc, thường có vại Cà muối hay chum tương, chum nhút. Cà pháo dùng muối mặn, có khi trộn với mắm (Cà mắm); Ở Nghệ Tĩnh, có giống Cà vỏ cùi dày ăn giòn. Nhà thơ Huy Cận đã viết :
“Ai ơi ! Cà xứ Nghệ
Càng mặn lại càng giòn …”
Cà tím và Cà dái dê thường được dùng xắt mỏng làm bột rán hoặc nấu bung để ăn (Cà tím om đậu phụ).
Trong 100g Cà, có các thành phần tính theo % như sau: nước 92; protid 1,3; lipid 0,2; glucid 5,5 các chất khoáng (tính theo mg): Phosphor 15, magnesium 12, calcium 10, kalium 220, lưu huỳnh 15,16, natrium 5, sắt 0,5, mangan 0,20, kẽm 0,20, đồng 0,10, iod khoảng 0,002. Các vitamin (tính theo mg): tiền sinh tố A 0,04, B1 0,04, B2 0,35, C6, P 0,6.
Trong 100g Cà tím, có nước 67,9, protein 0,9, lipid 0,2, cellulose 1,4 dẫn xuất không protein 9,1 khoáng toàn phần 0,5 và cung cấp một nhiệt lượng là 24 calo (cũng có tài liệu ghi 29 calo).
Cà là loại rau ít bổ dưỡng, nhưng cũng được sử dụng làm thuốc. Nó có tính chất chống thiếu máu, nhuận tràng, lợi tiểu, kích thích gan, mật và tụy, làm dịu đau. Được chỉ định dùng chữa thiếu máu, tràng nhạc, táo bón, giảm niệu, kích thích tim. Lá cũng được dùng đắp làm dịu đau vết bỏng, áp xe, bệnh nấm, trĩ.
Thường dùng dưới dạng thức ăn. Nên ăn quả chín, vì trước khi chín, quả vẫn chứa một chất độc là solanin (như trong những phần xanh của khoai tây).
Trong Y học dân tộc. Cà được xem như có tính lạnh, hơi có chất độc, dùng chữa chứng lao truyền, chứng ôn dịch. Những người yếu nên kiêng, vì ăn nhiều thì động khí sinh ốm, đàn bà ăn nhiều thì hại tử cung. Cà cũng có tác dụng tán huyết ứ, tiêu sưng và cẩm máu. Cụ lương y Lê Trần Đức cho biết một số công dụng của Cà:
- Chữa đại tiện ra máu hay phụ nữ rong huyết, dùng quả Cà già màu vàng cả cuống, sao giã tắn nhỏ, uống mỗi lần 8g với nước giấm nhạt, ngày uống 3 lần.
- Chữa sưng tẩy, dùng quả cà mài với giấm bôi, hay giã nhỏ, chưng với giấm đắp vào.
- Chữa đái buốt ra máu, di lỵ ra máu hay loét ruột chảy máu, dùng rễ và cây cà khô, 40g sắc uống.
- Chân bị nứt nẻ và giá lạnh, hay mùa hè ngón chân sưng đau, dùng rễ và cây khô nấu nước ngâm rửa.
Quả Cà muối cũng được sử dụng để chữa:
- Đau răng, viêm lợi, lấy Cà muối lâu năm đốt tồn tính, xát than này vào răng, lợi. Nếu không có Cà lâu năm thì dùng cuống quả cà, đốt tồn tính cũng được.
- Chín mé ở ngón tay, ngón chân, dùng quả cà muối, khoét một lỗ vừa cho lọt ngón ray, hoặc bổ đôi quả Cà, đút ngón tay bị chín mé vào, băng lại, ngày 1 lần.
Trích từ sách: Cây Rau Làm Thuốc
của PTS Võ Văn Chi
do NXB TH Đồng Tháp ấn hành
Nhận xét
Đăng nhận xét