Cải canh hay Cải bẹ xanh thường gọi là Rau cải - Brassica juncea (L.) Czern. et Coss., thuộc họ Cải - Brassicaceae là loại rau thường được trồng phổ biến để làm rau ăn sống hoặc nấu canh với tép, tôm, cả lóc, thịt lợn nạc... hoặc dùng muối dưa (cũng như Rau cải củ hay lú bú) có thể muối xả hay muối nén nguyên cây.
Dưa cải là món ăn rất thông dụng. Nó có thể chế biến ra thành những món ăn khác nhau như dùng ăn ngay chấm với nước thịt kho, cá kho, nước mắm, nấu canh với thịt, với cá, chưng cá, xắt nhuyễn chưng với trứng vịt, hay kho với lòng heo, nước tương, kho với thịt v.v.. Dưa cải có thể muối ăn liền (chọn cây có ngồng, cắt khúc phơi héo rồi muối trong l-2 ngày để ăn) hoặc muối dưa để lâu (phải để nguyên cây rồi phơi héo rồi muối vào khạp để ăn trong 2-3 tháng).
Hạt Cải canh hình cầu, màu đen nâu (gọi là Giới tử) dùng làm thuốc và ép dầu (tỷ lệ 20%) chế mù tạc làm gia vị và dùng trong công nghiệp.
Cải canh là loại rau lợi tiểu. Hạt Cải canh có vị cay, tính ấm, vào kinh phế, có tác dụng tiêu hoá đờm thấp, chữa ho hen, làm tan khí trệ, giảm đau, chữa kết hạch. Để chữa ho, hen, đờm suyễn ở người già, dùng hạt Cải canh, hạt Cải củ, hạt Tía tô, ba thứ bằng nhau (mỗi vị 8-l2g) sắc uống hay tán bột uống mỗi lần 4-6g, ngày uống 2-3 lần. Cũng dùng tán nhỏ, trộn giấm đắp chữa đơn độc sưng tấy. Ở Trung quốc, hạt và cả cây dùng chữa ho, lòng đờm, tiêu thũng, giảm đau...
Loài Cải dầu hay Cải sen - Brassica campetris L. có thân cao, hơi có lông, trồng để làm dưa, cho hạt hình cầu màu nâu đen gọi là Vân đài tử cũng dùng làm thuốc phá huyết tán kết, tiêu thũng và dùng tiêu sưng mụn nhọt. Lá dùng ngoài trị ung thũng.
Trích từ sách: Cây Rau Làm Thuốc
của PTS Võ Văn Chi
do NXB TH Đồng Tháp ấn hành
Xem thêm: CHỮA HO HEN - Cải Canh
Xem thêm: CÂY RAU CÂY THUỐC - CẢI CANH
Nhận xét
Đăng nhận xét