Cải củ - Raphanus sativus L. thuộc họ Cải — Brassicacewe. Cây thảo có rễ củ phình to thành dạng tròn hay dài và có màu sắc khác nhau tuỳ thứ; lá thường xẻ ra và có lông; hoa có 4 cánh hoa màu vàng nhạt hay trắng hoặc tím.
Cải củ đã được trồng từ thời thượng cổ ở Trung quốc, ở Ai cập và do sự trồng trọt, mà người ta đã tạo ra những dạng và nòi trồng có rễ trụ và nạc, có màu da đỏ, trắng, vàng nhạt hay trắng hoặc tím.
Ở nước ta, thường trồng nhất là Cải củ trắng, còn gọi là Củ cải, Rau lú bú - Raphanus sativus L. var. raphanistroides Mak. có củ dài15-40 cm hay hơn, màu trắng, vị nồng cay, có lá xẻ thành khía sâu và có hoa màu trắng. Ở Đà lạt, có trồng Cải ra-di - Raphanus sativus L. var. radiccula Pers., có rễ củ tròn, thường màu đỏ; lá có lông hay không, xẻ ra hay không; hoa tía ít khi trắng, có sọc xanh.
Cải củ hay Rau lú bú là cây trồng rất phổ biến để lấy lá luộc ăn, lấy lá già muối dưa và để lấy củ. Củ cải là loại thực phẩm tương đối dễ sử dụng, có thể dùng chế biến nhiều món ăn như luộc, kho với thịt, với cá, xào mỡ, xào thịt, nấu canh hoặc làm gỏi với tép, thịt lợn nạc; còn dùng muối dưa ăn quanh năm (ngâm trong nước mắm), làm củ cải muối (xá bấu), phơi khô dự trữ để làm dưa góp khi cần.
Người ta đã biết thành phần hoá học tính theo % như sau:
- Trong lá tươi có nước 83,8; protid 2,3; lipid 0,1; celulose 1,0; dẫn xuất không protein 6,3; khoáng toàn phần 4,5.
- Trong củ tươi có nước 70,4; protid 1,1; lipid 0,2; cellulose 1,0; dẫn xuất không protein 6,3; khoáng toàn phần 1,0; còn có các viramin B, C, PP. Trong các chất khoáng có iod, magnesium, lưu huỳnh.
Cải củ có tính chất khai vị, giúp ăn ngon miệng, dùng chống hoại huyết, chống còi xương, sát khuẩn nói chung, lọc gan và thận, làm long đờm. Thường được chỉ định dùng trong trường hợp ăn không biết ngọn miệng, các bệnh hoại huyết, còi xương, thiếu khoáng, lên men trong ruột, đau gan mạn, vàng da, sỏi mật, viêm khớp thấp khớp, bệnh đường hô hấp (ho, hen).
Trong Y học dân tộc, Củ cải (La bạc căn) có vị ngọt hơi cay đắng, không có chất độc, có tác dụng long đờm, tiêu thức ăn, lợi tiểu tiện, tiêu ứ huyết, dùng chữa nhiệt ly, giải độc. Để chữa người bị nhiễm khói than, chết ngất, dùng Cải củ hay lá của nó giã nhỏ, vắt lấy nước cốt đổ cho uống thì tỉnh. Để chữa bị bỏng, dùng củ cải giã nát mà đắp vào.
Lá Cải củ cũng giúp cho sự tiêu hoá thức ăn, còn dùng làm thuốc chữa khản tiếng, chữa xuất huyết ở ruột, khái huyết, chữa suyễn của người già. Trong Y học dân tộc, hạt Cải củ (La bặc tử) cũng được dùng nhiều. Nó có vị cay ngọt, tính bình, vào kinh phế, tỳ, vị, có tác dụng hạ khí, tiêu đờm và tiêu thức ăn, dùng chữa chứng phong đờm, chứng thở suyễn, chứng lỵ, mụn nhọt, chứng đại tiểu tiện không thông lại phá được trệ khí. Dùng chữa phù trướng có kết quả rất tốt: lấy 40g hạt Cải củ sắc uống sẽ tiêu nước, xọp phù rất nhanh.
Xem thêm: CHỮA HO HEN - Củ Cải
Xem thêm: CÂY RAU CÂY THUỐC - CẢI CỦ
Nhận xét
Đăng nhận xét