Chùm ngây – Moringa oleifera Lam. thuộc họ Chùm ngây - Moringaceae. Cây gỗ nhỏ, cao đến 10m. Lá kép thường 3 lần lông chim, có 6-9 đôi lá chét hình trứng, mọc đối. Hoa trắng, có cuống, hơi giống hoa đậu, mọc thành chuỳ ở nách lá, có lông tơ; lá bắc hình sợi. Quả nang treo, có 3 cạnh, dài 25-30cm, hơi gồ lên ở chỗ có hạt, khía mình dọc: Hạt màu đen, to bằng hạt đậu Hà lan, tròn, có ba cạnh và ba cánh màu trắng, dạng màng.
Chùm ngây gốc ở Ấn độ, được trồng rải rác khắp nước ta. Còn gặp ở các nước vùng Đông dương và các xứ nhiệt đới khác.
Tất cả các bộ phận của cây đều chứa một glycocid có vị cay, giống mùi cải. Nhiều bộ phận của cây như quả, lá non, hoa, các nhánh non đều có thể dùng làm rau ăn nhưng phải nấu chín. Hạt chứa 33-38% một thứ dầu không mùi, vị dịu, lâu hỏng, ăn được và dùng trong hương liệu để định hương. Toàn cây còn chứa một lacton gọi là pterygospermin có tính kháng khuẩn, nhất là đối với Staphylococcus.
Do lá cây có tính kích thích tiêu hoá nên chúng được dùng trong một chế phẩm để uống khi tiêu hoá khó khăn. Chúng cũng có tính lợi tiểu nên cũng được chỉ định trong trường hợp bị lậu. Ở Malaixia và ở Ấn độ, dịch của lá lấn với chanh, dùng chữa thuỷ thủng. Ở Campuchia, vỏ cây được dùng làm thuốc cho phụ nữ sau khi sinh đẻ uống như là thuốc bổ. Rễ cây dùng sắc uống để chữa bệnh cóng, phù thũng và các bệnh ngoài da.
Trích từ sách: Cây Rau Làm Thuốc
của PTS Võ Văn Chi
do NXB TH Đồng Tháp ấn hành
Nhận xét
Đăng nhận xét