Dưa chuột hay Dưa leo - Cucumis sativus L. thuộc họ Bầu bí - Cucurbitaceae. Cây leo sống hằng năm; dây chia ra nhiều nhánh và phủ lông. Tua cuốn đơn. Lá chia thuy rõ, thuỳ nhọn. Hoa đơn tính, mọc đơn độc ở nách lá, màu vàng; số hoa đực nhiều hơn số hoa cái. Quả mọng, trên quả có nhiều u vằn và có gai với độ cứng, mềm, tù, nhọn và màu sắc khác nhau tuỳ theo giống trồng.
Dưa chuột là cây hoang dại ở châu Á và châu Phi, được trồng từ lâu ở miền Đông Địa trung hải. Ở nước ta, Dưa chuột cũng được trồng nhiều nhưng các giống trồng còn nghèo nàn. Các vùng rau lớn từ Hà nội đến Hưng yên, Bắc ninh, Lâm đồng (Đà lạt ..) cũng chủ yếu là dùng giống địa phương gọi chung là giống dưa chuột Việt nam. Song cũng có vài nơi nhự Hải phòng, Hà tây còn trồng giống dưa chuột lai giữa giống Dưa chuột Việt nam và giống Dưa chuột ngoại (giống Dưa chuột hữu nghị lai giữa giống Dưa chuột (Quế võ) và giống Nhật bản Nasu Fuxinari) và giống lai giữa các giống ngoại với nhau (giống F1 lai từ các giống của Nhật bản). Dưa chuột Việt nam dài 12-15cm, có mã xấu, dùng làm rau ăn và đóng hộp tốt (quả bao tử). Dưa chuột Hữu nghị dài 12-l6cm, màu xanh đẹp, không giòn vì ruột quả mềm. Dưa chuột lai F1 dài tới 25-30cm, quả xanh đậm, gai nhỏ, cùi dày, ruột nhỏ, ăn giòn ngon, dùng ăn tươi hay làm dưa muối.
Dưa chuột là loại rau rất thông dụng và được ưa chuộng trong bữa ăn hàng ngày của nhân dân ta. Có thể dùng ăn tươi (ăn riêng hoặc trộn với các loại rau khác), làm nộm, xào, nấu canh, hoặc muối mặn hay muối chua. Người ta đã xác định được thành phần hoá học của nó: Nước 95%; protein 0,8%; giucid 3%; cellulose 0,7%; tro 0,5%; 23mg% calcium; 27mg% phosphor; 1mg% sắt; còn có S, Mn, các chất nhầy, và các vitamin A, B1, B2 , PP và C 100g dưa chuột cung cấp cho cơ thể 16 calo.
Dưa chuột có tác dụng giải khát, lọc máu, hoà tan acid uric và các urat, lợi tiểu và gây ngủ nhẹ. Thường được chỉ dẫn trong các trường hợp sốt nhẹ, nhiễm độc đau bụng và kích thích ruột, thống phong, tạng khớp, sỏi, bệnh trực khuẩn coli. Dưa chuột cũng được dùng đắp ngoài trị ngứa, nấm ngoài da, và dùng trong mỹ phẩm làm thuốc giữ da, làm kem bôi mặt.
Khi dùng làm thuốc uống trong, ta có thể nấu dưa chuột để ăn và làm thuốc: chống kích thích ruột, cũng thích hợp cho các trường hợp khí chất mệt và khí chất đa huyết. Nếu ăn sống nhiều cũng có khi gây khó tiêu nhưng nếu ngâm nước muối thì sẽ làm mất đi chất nhựa quý của Dưa chuột.
Nếu dùng ngoài, Dựa chuột có nhiều công dụng:
- Trị da nhờn, dùng nước sắc Dựa chuột rửa mặt.
- Trị nếp nhăn, dùng Dưa chuột cắt khoanh và áp vào da.
- Trị tàn nhang, dùng Dưa chuột cắt khoanh ngâm trong sữa tươi, lấy nước rửa mặt.
- Giữ da mặt, dùng dịch Dưa chuột chế biến để rửa mặt: Giã vào cối 50g hạnh nhân. Rót thong thả 200g dịch của Dưa chuột nấu sôi và để nguội, lọc qua vải. Thêm 200g cồn, 1g tinh đầu hoa hồng.
- Pomat làm dịu dùng trị bệnh ngoài da, nứt nẻ môi, giữ da mặt: Dịch Dưa chuột lọc 300g, mỡ bò 100g, bôm tôlu 0,50g, mỡ lợn 250g, nước hoa hồng 3g. Trộn lẫn và nghiền trong cối. Dùng để đắp ngoài.
Do có hàm lượng muối kali cao, nên Dưa chuột rất cần cho những người bị bệnh tim mạch vì nó sẽ đẩy mạnh quá trình đào thải nước và muối ăn ra khỏi cơ thể.
Trích từ sách: Cây Rau Làm Thuốc
của PTS Võ Văn Chi
do NXB TH Đồng Tháp ấn hành
Nhận xét
Đăng nhận xét