Mã đề - Plantago major L., thuộc họ Mã đề - Plantaginaceae. Cây thảo sống dai, có gốc dày, với nhiều rễ phụ dài. Lá mọc thành hình hoa thị ở gốc, hình trái xoan rộng, có răng không đều, dày, dai, có phiến thon lại trên cuống lá; gân 3-7, hình cung. Cuống hoa trần mang về phía đỉnh một bông hoa dài 5-15 cm, có hoa xếp dày đặc. Quả nang thuôn hình, nón, mở theo kiểu hộp. Hạt 8-12, màu nâu đen bóng, hình thoi, vò hạt hoá nhầy khi gặp nước.
Cây mã đề phân bố rộng rãi ở châu Âu và châu Á. Ở nước ta, mã đề mọc hoang ở khắp nơi, trên bờ ruộng, bãi cỏ, ven đường, ven khe suối, nơi ẩm ướt và sáng. Cũng thường được trồng làm rau ăn và làm thuốc.
Lá non có thể làm rau xanh cho người, dùng luộc hoặc nấu canh. Cũng dùng làm thức ăn cho lợn, Trong lá tươi cây mã đề, người ta đã biết có các thành phần tính theo phần trăm là: Nước 91,3; protein 2,1; glucid 3,8; cellulose 1,8; khoáng toàn phần 1,0; các vitamin (tính theo mg %): caroten 3,0; C 31.
Lá mã đề cũng được sử dụng làm thuốc. Ở nông thôn nước ta, toàn cây được phơi khô hay sấy khô để dành dùng nấu nước uống giải khát trong mùa hè. Ở các thành phố, người ta cũng dùng nó chế một hỗn hợp nước giải khát. Dịch ép của lá, lẫn với mật ong dùng chữa cảm giác buốt mót và chảy máu mạnh. Nhân dân ta thường dùng lá và toàn cây mã đề sắc hoặc nấu cao uống lợi tiểu trị sỏi niệu đạo, chữa họ lâu ngày, viêm khí quản, lỵ cấp và mạn tính, mặt đỏ đau và huyết áp cao; cao đặc Mã đề cũng dùng trị bỏng. Nước sắc Mã đề còn dùng trị giun đũa, trị đái đường và được xem như là thuốc lọc máu. Lá mã đề tươi giã nát đắp mụn nhọt áp xe, làm cho nhọt chóng vỡ mủ.
Hạt mã đề cũng được sử dụng nhiều, do có chất nhầy nên hạt mã đề có tính chất làm dịu và trị ho.
Trích từ sách: Cây Rau Làm Thuốc
của PTS Võ Văn Chi
do NXB TH Đồng Tháp ấn hành
Xem thêm: THÔNG TIỂU TIỆN VÀ THÔNG MẬT - Mã Đề
Xem thêm: CÂY RAU CÂY THUỐC - MÃ ĐỀ
Nhận xét
Đăng nhận xét