Ớt - Capsicum frutescens L., thuộc họ Cà - Solanaceae. Cây nhỏ cỡ 1m. Lá mềm, không lông. Hoa trắng, mọc đứng hay thõng xuống. Quả mọng, có hình dạng, kích thước và mầu sắc thay đổi tuỳ thứ. Thịt cay. Hạt dẹp trắng.
Ớt gốc ở châu Mỹ nhiệt đới, được trồng nhiều ở các nước châu Phi và khu vực Đông và Nam châu Á. Ớt là loại gia vị được nhiều người ưa chuộng cũng như hồ tiêu. Ở nước ta cũng trồng nhiều thứ ớt, có đến 50 thứ khác nhau của cùng một loài:
- Loại Ớt có quả mọc đứng, có Ớt chỉ thiên (var. Fasciculatum (Sturt.) Bailey) có quả nhỏ màu đỏ, rất cay và lại sai quả (mỗi cây có tới hàng trăm quả); Ớt hiểm (var. microcarpum (DC) Bailey) có quả rất nhỏ, đỏ, rất cay: Ớt tím (var. conoides (Mill.) Bailey) có quả hình chuỳ màu tím; Ớt cà (var. cerasiforme Bailey) có quả đứng hay thõng, tròn, đỏ và cay.
- Loại Ớt có quả thõng xuống như Ớt sừng trâu (var. acuminatum) có quả nhọ, đỏ, rất cay; Ớt dài (var. longum Bailey) có quả vàng, trồng làm cảnh và trang trí Ớt tây, Ớt cà chua, Ớt bị, Ớt ngọt (var. grossum (L.) Bailey) có hoa to, quả to màu vàng đỏ chứ không cay, thường dùng để xào ăn như một loại Rau.
Ớt sừng trâu có giá trị kinh tế cao, trong đó loại có quả chín đỏ được thị trường trong và ngoài nước ưa thích hơn loại quả chín vàng. Ớt chỉ thiên cũng là cây trồng phổ biến ở nhiều nơi, nhất là ở vùng núi cao.
Người ta thường dùng Ớt ăn tươi, ngâm giấm, muối và làm bột, làm tương.
Ớt có tác dụng kích thích tiêu hoá và tăng nhiệt cho cơ thể. Trong 100g Ớt, tính trung bình, có 94g nước, l,3 protein, 5,7g glucid; 1,4g chất xơ; 250mg vitamin C; 10mg caroten; chúng cung cấp cho cơ thể 29-30 calo.
Theo tài liệu nước ngoài, trong 100g Ớt, có các chất có Nitơ (15,50); Tinh dầu (1,12); Dầu cố định (12,50); Chất chiết xuất không có nitơ (35); Cellulose (20/76); Tro (5,17); Capcaisin, Capsixin, Capsantin, Chất thơm, Lêxitin, Vitamin C (0,05%)...
Ớt cũng được dùng làm thuốc. Dùng trong, nó là chất kích thích dạ dày, kích thích chung và lợi tiểu. Dùng ngoài, nó làm chuyển máu và gây sung huyết da. Ớt được chỉ định dùng trong để chống khó tiêu, mất trương lực, lên men ruột, ỉa chảy, kiết lỵ, nôn mửa không cầm được, trĩ ngoại, thấp khớp, thống phong thủy thũng, viêm thanh quản, ho gà và một số chứng liệt.
Ớt được dùng ngoài trị chứng đau dây thần kinh do thấp khớp, thống phong.
Về cách sử dụng, khi dùng trong, chỉ dùng liều thấp, vì với liều cao có thể gây nôn mửa ỉa chảy, viêm dạ dày và ruột. Người ta thường dùng:
- Ăn Ớt như một thứ rau gia vị trong bữa ăn hàng ngày.
- Dùng từ 0,30g đến 1g mỗi ngày, dạng viên.
- Dùng cồn thuốc tươi hay cồn thuốc (Ớt 1 phần, rượu 33° 2 phần) liều dùng 1-4g mỗi ngày.
Để dùng ngoài, có thể dùng cồn thuốc tươi 15-20g trong l/2 cốc nước dạng thuốc súc miệng. Hoặc dùng bông mỡ (bông mỡ sinh nhiệt) dùng trong viêm dây thần kinh do thấp khớp, cảm lạnh.
Ta thường dùng Ớt trị sốt rét, khó tiêu bằng cách nấu nước uống. Lấy 30g lá giã lấy nước uống trước khi lên cơn 2 giờ, mỗi ngày uống một lần mỗi đợt điều trị 5-7 ngày liền. Lá Ớt còn dùng đắp trị mụn nhọt không vỡ mủ, rắn rết cắn.
Trích từ sách: Cây Rau Làm Thuốc
của PTS Võ Văn Chi
do NXB TH Đồng Tháp ấn hành
Xem thêm: Chữa Bệnh Tiêu Hóa - Ớt
Xem thêm: CÂY QUẢ CÂY THUỐC - ỚT
Nhận xét
Đăng nhận xét